Đó là ý kiến của bạn đọc sau khi đọc bài viết Phí 'ngáng đường' xuất nhập khẩu trên Thanh Niên số ra ngày 14.1.
Khổ cho doanh nghiệp
Doanh nghiệp quá khổ vì phí vận tải trong nước không giảm dù xăng dầu giảm giá liên tục. Khi xuất nhập khẩu hàng hóa thì phí, phụ phí của các hãng tàu cứ đẩy lên liên tục, năm sau cao hơn năm trước. Đấy là chưa kể bao nhiêu thứ đang đè lên vai doanh nghiệp. Một khi doanh nghiệp chưa thoát khổ thì người tiêu dùng vẫn chưa sung sướng được bởi phải mua hàng với giá rất cao.
Võ Huy Hoàng (P.Phạm Ngũ Lão, Q.1, TP.HCM)
Giảm tính cạnh tranh
Việc đóng quá nhiều phí cho các hãng tàu sẽ làm tăng chi phí vận chuyển, dẫn đến giá thành hàng xuất khẩu của VN bị đội lên cao, giảm sự cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Nếu giá cả của chúng ta thấp, chất lượng tốt thì dễ thành công hơn. Nếu tình trạng này kéo dài thì liệu các doanh nghiệp xuất khẩu có thể tồn tại được hay không?
Đào Minh Nguyệt (TP.Long Xuyên, An Giang)
Có chính sách phù hợp
Nhà nước cần nghiên cứu đề ra chính sách cấm các hãng tàu thu phí và phụ phí. Một số nước đã mạnh dạn áp dụng chính sách cấm tất cả các hãng tàu thu phụ phí, mọi thứ đều phải đưa vào giá cước. Giá của hãng tàu nào cạnh tranh, phù hợp thì doanh nghiệp chọn, cao quá thì không có khách. Được như vậy thì các hãng tàu mới không tự tung tự tác nữa.
Dương Văn Thừa (H.Vĩnh Cửu, Đồng Nai)
Người tiêu dùng chịu
Nếu phí, phụ phí nhập khẩu tăng sẽ kéo theo giá thành sản phẩm tăng. Cuối cùng chỉ có người tiêu dùng chịu thiệt, phải mua sản phẩm với giá… trên trời. Vấn đề này không những doanh nghiệp nhập khẩu phải tính toán lại trong việc chọn lựa hãng tàu, cách thức nhập khẩu mà nhà nước cũng phải tìm cách giúp doanh nghiệp. Nếu không, chỉ có dân là chịu mọi thiệt thòi.
Trần Nguyễn Phương Lan (P.Tân Biên, TP.Biên Hòa, Đồng Nai)
Do quá phụ thuộc
Do đội tàu biển của VN chưa đủ năng lực vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu, đồng thời chủ hàng VN cũng thường sử dụng hình thức nhập khẩu hàng theo giá CIF (giá bao gồm phí bảo hiểm và vận chuyển hàng tới cảng của bên nhập khẩu), xuất khẩu theo giá FOB (giá tại cửa khẩu của bên xuất, chưa bao gồm phí bảo hiểm và vận chuyển hàng tới cảng của bên nhập khẩu), nên quyền thuê phương tiện chủ yếu thuộc đối tác nước ngoài và đội tàu biển nước ngoài. Vì phụ thuộc vào điều này nên các hãng tàu mới “bắt chẹt” doanh nghiệp chúng ta. Cần nâng cao năng lực vận tải của đội tàu biển VN.
Huỳnh Trần Minh Long (P.4, Q.Gò Vấp, TP.HCM)
Cơ quan chức năng cần xem xét việc có hay không sự bắt tay của các hãng tàu hoạt động ở VN nhằm nâng giá phí, phụ phí. Một khi chúng ta phụ thuộc các hãng tàu thì họ dễ dàng chèn ép khiến doanh nghiệp trong nước phải “cắn răng chịu đựng”.
Trịnh Thành Thông Thái (Q.8, TP.HCM)
Theo tôi, cần luật hóa vấn đề cước vận tải biển. Một khi chúng ta có quy định pháp luật rõ ràng về vấn đề này và phù hợp với thông lệ quốc tế, các hiệp định đã ký kết thì các chủ tàu nước ngoài không thể tự tiện làm trái luật được. Đây chính là cách để bảo vệ doanh nghiệp trong nước một cách hiệu quả nhất.
Võ Ngô Minh Thư (Q.8, TP.HCM)
An Phong - Duy Khang (thực hiện)
|
Bình luận (0)