Tôi có ý kiến: Phạt thật nặng người sản xuất phân bón giả

06/12/2015 08:29 GMT+7

Đó là ý kiến của nhiều bạn đọc sau khi Thanh Niên ngày 5.12 đăng các bài viết “Đại dịch” phân bón giả và Giặc giả lộng hành .

Đó là ý kiến của nhiều bạn đọc sau khi Thanh Niên ngày 5.12 đăng các bài viết “Đại dịch” phân bón giả và Giặc giả lộng hành.

Ai chịu trách nhiệm ?
Các doanh nghiệp phải có trách nhiệm về chất lượng sản phẩm của mình. Các cơ quan quản lý phải có trách nhiệm kiểm soát các loại phân bón, kể cả nhập từ nước ngoài hay sản xuất trong nước. Hiện nay, phân bón giả hoặc chất lượng kém đang thao túng, gây thiệt hại không những kinh tế mà còn gây hậu quả nặng nề ở nông thôn. Vì vậy, cần phải quy trách nhiệm của cơ quan nhà nước quản lý để xảy ra tình trạng này.
Phạm Tạo
(nongdanthehe@gmail.com)
Không thể chấp nhận
Tình trạng phân bón giả tràn lan, trở thành một “đại dịch” như vậy là không thể chấp nhận được. Nông dân đã quá khổ sở khi phải đối phó với muôn vàn khó khăn như mất mùa, bị ép giá... nay còn phải đối mặt với nạn phân bón giả. Thiệt hại từ phân bón giả thì ai cũng biết, không những nông dân chịu mất tiền vì mua phải hàng giả mà còn bị thêm bao nhiêu hệ lụy khác, làm ảnh hưởng đến năng suất, mất mùa, gây nên bao tai ương cho xã hội.
Nguyễn Văn Thu
(thuvanblaok2@yahoo.com)
Có “bảo kê”
Với lợi nhuận khổng lồ như thế, thì việc phân bón giả thao túng thị trường khiến nông dân lao đao là điều rất dễ hiểu. Tại sao phân bón giả lại hoành hành trên ruộng vườn, đất đai ở nông thôn như vậy. Chắc chắn là phân bón giả được bảo kê. Có bảo kê, phân bón giả mới tràn lan. Một khi các nhà quản lý nông nghiệp bắt tay với kẻ xấu làm phân bón giả thì nông dân sẽ điêu đứng. Luật đã có, vì vậy cần phải xử lý hình sự nếu phát hiện ra sự thông đồng, bảo kê kiểu này.
Trần Hữu Vui
(H.Cẩm Mỹ, Đồng Nai)
Tại sao ?
Việc kiểm tra phát hiện phân giả không phải quá khó khăn, nếu chỉ nhỏ lẻ vài trường hợp thì không nói, đằng này tình trạng giả tràn lan như vậy mà vẫn qua mặt được cơ quan chức năng. Vì vậy, bên cạnh việc trừng trị nghiêm kẻ sản xuất, buôn bán hàng giả thì cũng cần phải xử lý cả những người có thẩm quyền để xảy ra tình trạng này, để triệt tiêu nạn bảo kê cho phân bón giả.
Trần Thái Phong
(thaiphongengineer@gmail.com)
Phải xử tận gốc
Hàng giả, hàng kém chất lượng chủ yếu được tuồn vào từ Trung Quốc, rồi các cơ sở trong nước mới chế biến, đóng gói, nhái nhãn mác để lừa người tiêu dùng. Như vậy, để giải quyết tình trạng này cần phải xử lý tận gốc, đó là quản lý việc nhập khẩu các loại hàng này. Hàng giả, hàng kém chất lượng được nhập về tràn lan, với số lượng lớn như vậy mà không bị bắt hay xử lý thì kể cũng lạ.
Ngô Thanh Sơn
(lsnam6006@gmail.com)
Võ Mỹ Thụy
Không những phân bón giả mà bây giờ rất nhiều thứ dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm cũng bị làm giả khiến người dân luôn cảm thấy bất an. Điều đáng nói là những thứ hàng giả, hàng nhái này đa số lại được nhập từ Trung Quốc. Nếu nhà nước siết chặt quản lý, kiên quyết hơn thì tôi nghĩ việc chặn nguồn hàng giả từ Trung Quốc là không khó.
Võ Mỹ Thụy
(Q.Bình Tân, TP.HCM)
Luật sư Nông Thị Hồng Dung
Bộ luật Hình sự quy định người có hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả có thể bị phạt tù đến 10 năm. Nếu hàng giả là thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật... thì có thể bị phạt tù đến 15 năm, hàng giả là lương thực thực phẩm, thuốc chữa bệnh, phòng bệnh thì có thể bị tử hình. Ngoài việc cần xử lý nghiêm người vi phạm thì ngay cả những cơ quan có thẩm quyền về quản lý cũng phải liên đới chịu trách nhiệm.
Luật sư Nông Thị Hồng Dung
(Đoàn luật sư TP.HCM)
An Phong - Hải Nam
 (thực hiện)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.