Tôi đi cầu… có bầu - Kỳ 1: Thức đêm đi cầu khấn

31/03/2009 00:22 GMT+7

Thời gian gần đây, quanh đan viện Biển Đức Thiên Phước thuộc Q.Thủ Đức (TP.HCM) đang có những xáo trộn khác thường bởi dòng người tứ phương lũ lượt đổ về xin có bầu sinh con. Nói "khác thường" bởi tại đây đã xuất hiện nhiều sự việc phản khoa học, các tin đồn thất thiệt, làm mất thời gian, tiền bạc của nhiều người nhẹ dạ. PV Thanh Niên đã xâm nhập thực tế gần 1 tháng tại địa điểm này để tìm hiểu...

"Xin gì cũng được" (!?)

Chuyện bắt đầu từ khoảng cách đây 1 năm; những người khó sinh con đã nghe râm ran tin đồn "dưới phường Tam Bình, Q.Thủ Đức có ông Thiện là người có khả năng chữa bệnh vô sinh và nhiều thứ bệnh khác". (PV Thanh Niên đã xác minh tin đồn này: Người được đồn là cha Tô-ma Thiện ở đan viện Biển Đức Thiên Phước). Theo đó, người có nhu cầu sẽ đến đây, viết những yêu cầu của mình trong một tờ giấy, bỏ trong bao thư sau đó gặp ông. Ông Thiện sẽ cầu nguyện, cho nước thánh, những người khác trong đan viện sẽ bán một số "thuốc", sau đó, người có nhu cầu mang "thuốc" về nhà uống, "sẽ có con, bệnh sẽ khỏi, quan trọng là phải tuyệt đối tin". Tại thời điểm đó, chưa ai kiểm nghiệm được điều này bằng chứng cứ khoa học cụ thể mà chỉ là những lời đồn rỉ tai nhau, mức độ tin cậy không cao. Nhận thấy hiện tượng này có thể gây hệ lụy không hay, ảnh hưởng đến uy tín của đan viện, chính quyền địa phương đã mời cha Thiện và đại diện đan viện thảo luận khuyên ngăn nhưng chưa có nhiều kết quả. Sự việc không dừng lại trong suốt thời gian dài cho đến nay...

Một ngày tháng 3.2009, trời mưa to gió lớn, trong vai người đi cầu để cho vợ có bầu, PV Thanh Niên hòa vào dòng người đội mưa đến đan viện Biển Đức để cầu nguyện. Lúc đó là 2 giờ chiều. Lối vào đan viện, sát đường Tô Ngọc Vân, đang được đào bới ngổn ngang, chuẩn bị làm đường. Ngay từ ngoài đường, cách đan viện hàng trăm mét đã có nhiều người mời chào "gửi xe đây đi bộ vô, đường trong không đi được". Hỏi "đây là chỗ đến để xin con phải không", họ trả lời "đúng rồi, xin gì cũng được nữa". Lối vào đã bị rào, buộc lòng phải gửi xe ở một nhà dân. Ông chủ nhà đang nhậu, mặt đỏ bừng bừng lao ngay ra, ghi số, xin tiền 3.000 đồng/xe, rất chuyên nghiệp.

Không được đến bệnh viện!

 

Cầu nguyện đêm - Ảnh: N.L.N

Chúng tôi gặp một người đàn ông đến từ Hà Tĩnh, anh kể: "Mình đến đó, lấy hai tờ giấy, viết tên tuổi vợ chồng mình, cầu có con, viết trên giấy, đi lên đó đọc, xong bỏ vô hộp thư đó". Người đàn ông này đã đến Thủ Đức ở trọ gần đan viện 1 tuần nay. Lý do anh biết đan viện này là từ những người cùng hoàn cảnh ở quê anh, nghe nói tại đây có khả năng chữa bệnh vô sinh nên kéo vô. Nói như anh thì "cả làng đi hết" vô đây. Người đàn ông này nói: "Mình cầu ở đây khoảng 5 hôm, sau đó đi nhà thờ sau ni để khám, khám xong về cầu tiếp".

Hỏi: "Ở đây không muốn cho mình khám bên ngoài phải không?". Anh bảo: "Không cho. Mình cầu đây mà đi ra ngoài khám hay khám ở bệnh viện là không được". Người đàn ông nói tiếp: "Hôm trước, có cặp vợ chồng cầu ở đây, vợ tin mà chồng không tin cũng không được". Dĩ nhiên điều này làm ngạc nhiên không ít người, bởi cầu nguyện là điều không ai cấm cản, nhưng đi cầu để xin có bầu, trong thời gian đó không được đi khám để có những khẳng định cụ thể bằng khoa học thì là điều rất khác thường. Càng khác thường hơn khi hỏi: "Nếu đi khám thì khám ở đâu?". Anh bảo: "Nhà thờ ở bên tê, đi khám mất 10.000 xe ôm, hỏi bọn xe ôm chở sang". Hỏi anh, tại sao cầu nguyện thì là ở đây nhưng lại sang bên kia khám bệnh? Người đàn ông này ậm ừ, đại loại rằng anh cũng nghe người khác bày cho và làm như vậy chứ không biết tại sao.

Càng thấy thắc mắc hơn, khi đan viện đây là dòng nam còn "nhà thờ ở bên tê" - theo chỉ dẫn của người đàn ông này - lại là dòng nữ, dòng mến thánh giá Khiết Tâm?

Đêm hôm đó, từ 4 giờ sáng chúng tôi đã trở lại. Lối vô đan viện từ hướng đường Tô Ngọc Vân đã bị đổ đầy cát sỏi, xi măng chuẩn bị làm đường. Xe không thể đi qua. Đứng tần ngần dưới ánh đèn đêm vàng vọt, chợt thấy một cặp trung niên nam nữ từ xa đi bộ lại. Đoán là họ đi cầu có bầu, bèn hỏi: "Đi cầu phải không anh?", "Đúng rồi". Họ là hai vợ chồng, cũng ở Hà Tĩnh vô. Anh chồng tận tình chỉ đường cho tôi đi vô đan viện từ hướng đường Gò Dưa. Đường đất gập ghềnh. Đan viện hiện ra trong cái se lạnh của buổi sáng sớm, tinh khiết. Trong sân cầu, đã có khoảng chục người. Họ, từng người, từng người đi vô phòng nguyện bên trong. Rồi thành kính vừa khẩn cầu, vừa đưa hai tay xoa vô bụng của mình... Hỏi một người phụ nữ mới bước ra từ phòng nguyện, "Cầu như vậy mấy lần?". Chị nói "tùy tâm". Ở sân ngoài, nhiều cặp vợ chồng vừa cầm tờ giấy ghi "nhu cầu" của mình, xoa xuống bụng, sau đó thành kính bỏ tờ giấy vô hòm thư. Ở cái mâm chứa nhiều ngọn nến, nhiều người vừa khẩn cầu, vừa khua tay trên ngọn lửa rồi áp tay, xoa xoa lên bụng của mình. Cũng nghiêm trang, thành kính.

Tôi trở ra, gặp một chiếc Matiz biển số Đà Nẵng đi theo đường đất vô đây. Người đàn bà bước xuống xe đã trên 50 tuổi, hỏi "Chị đi cầu hả?". "Dạ, tôi ở xa mới đến". Lúc đó trời vẫn tối đen như mực.

Rời khỏi đan viện, chúng tôi vẫn không thể thoát khỏi thắc mắc: Tại sao đi cầu tại đây vào giờ này, tại sao lại phải sang khám bệnh ở nơi khác? Và trong thời gian đó, vừa phải sinh hoạt vợ chồng, vừa phải uống thuốc và tin tưởng tuyệt đối là sẽ có bầu, nhưng lại không được đi khám hay siêu âm bằng khoa học? (Còn tiếp)

Phóng sự của Nguyễn Lê Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.