(iHay) Cách đây 3 năm, đúng với mục đích nghe có vẻ lớn lao là 'chinh phục thử thách, vượt qua bản thân', tôi đã leo Fansipan.
Fansipan 3 năm trước vẫn còn những cái lán dựng lên giản dị, hoang sơ
|
Ngày đó, Fansipan không phải quá xa lạ với nhiều người. Nhưng tôi nhớ rất rõ, con đường Sín Chải - Trạm Tôn còn rất nhiều cảnh hoang sơ. Đến điểm trại 2.200m còn nằm trong lều, túi ngủ, đêm đêm nghe mưa gió gào thét rồi nước mưa ướt tóc. Có kẻ buồn tè không dám đi vì sợ ma. Điểm trại 2.800m có cái lán nhỏ cả lũ ngồi túm lại hơ tay hơ tất cho khỏi lạnh. Những trải nghiệm đầu tiên leo một ngọn núi cao dường như rất ấn tượng.
|
Điểm trại 2.200m và 2.800m là một triền đất rộng dựng vài cái lán. Người leo núi đêm phải nằm túi ngủ trong lều (ảnh chụp năm 2012)
|
Và rồi cách đây một tháng, tôi leo lại Fansipan. Cảm giác hụt hẫng là không tránh khỏi. Suốt đầu quãng đường leo, tôi chỉ im lặng và cảm thấy chán. Người nối người đi như trẩy hội. Đông vui như kiểu người ta đi lễ chùa Hương vậy. Cái nét hoang sơ, vắng lặng của rừng già không còn thấy nữa khi bao con người chen chúc nhau từng bước leo mà đi. Loa đài ầm ĩ nào nhạc Sơn Tùng M-TP, nhạc dance các kiểu cũng bật trên đường.
Đến điểm trại 2.200m, tôi càng bất ngờ hơn trước những ngôi nhà tường gạch mái tôn kiên cố đã xây lên. Sàn gỗ rất khang trang sạch sẽ. Biết là phát triển để đáp ứng nhu cầu, nhưng tôi thực sự bị hụt hẫng. Tôi thấy Fansipan - chàng trai hoang dã mà mình từng quyết tâm chinh phục ngày nào, giờ chẳng khác gì một anh chàng chịu khoác lên mình bao tấm áo để chiều lòng mọi người, để khai thác du lịch.
Và điểm trại 2.800m, còn ngạc nhiên hơn khi mấy ngôi nhà dựng lên y chang cái nhà nghỉ, có phòng riêng hẳn hoi. Tôi chui vào cái lán bếp, ngồi nhóm lửa hong tay, sao mà nhớ cái cảm giác cùng bạn bè chen chúc ngồi trong lán, nước mắt nước mũi tèm lem vì khói, vì gió rừng thổi hắt.
Cả những porter (người mang hành lý và chỉ đường) người Mông đi rừng, có lẽ họ cũng đổi thay. Tôi nhớ chàng porter Mông còn ngại ngùng bẽn lẽn khi tôi và cô bạn thân hỏi thăm: “Anh bao tuổi rồi? Đã có vợ con gì chưa?”. Anh lí nhí trả lời: “Có con học lớp 3 rồi”.
Thế rồi, 3 năm sau tôi gặp lại chàng Mông này, không còn cái nét ngại ngùng ngày xưa. Anh nhanh nhẹn hơn, thậm chí chủ động làm quen và "dẻo miệng" hơn. Tôi hỏi lại câu hỏi 3 năm trước: “Anh Mông có vợ con gì chưa?”. Anh nhìn tôi cười cười, rồi bảo: “Thì mới cưới cách đây mấy tháng thôi. Còn trai trẻ lắm!”. Tôi sững sờ hồi lâu. Chẳng hiểu lời nói dối từ mấy năm trước hay là bây giờ? Cái nét thật thà của anh, tôi cứ cảm thấy đã bị thời gian làm vơi bớt đi đâu mất rồi.
Tôi có nói chuyện với porter tên A Sinh, về cái dự cảm sau này Fansipan sẽ đông người và công việc của các anh sẽ ra sao khi cáp treo sẽ thay thế đôi chân của người đi rừng. Anh cũng ngậm ngùi nói rằng, có lẽ lúc đó porter ở Fansipan phải chuyển nghề mất thôi. Rồi những người ham leo núi họ sẽ bỏ rơi Fansipan, mà lang thang tìm đến dãy Bạch Mộc, tìm đến Lảo Thẩn, Nhìu Cồ San, Tà Sùa, hay Tả Liên,… Lúc đó, các anh sẽ làm gì để sống? Lang thang khắp thị trấn Sa Pa và bán đồ rong?
Những bước chân cuối cùng khi leo lên đỉnh Fansipan, tôi như kẻ khờ khạo thấy thèm một tiếng chim hót, tiếng gió ngàn, tiếng những cành trúc lao xao thay vì tiếng động cơ máy, tiếng ròng rọc kéo những chiếc cáp thử nghiệm trên không. Và rồi nhìn thấy cảnh tượng từng bậc cầu thang xây khang trang trên đường lên đỉnh, tôi hụt hẫng không tả nổi.
Ngày trước, những bước chân cuối cùng là dốc, là quyết tâm vượt qua để chạm tay cột mốc. Giờ là bậc thang dễ đi, mà sao tôi thấy nó xa lạ đến thế! Có lẽ nào, người ta sẽ tiếp tục xây thêm vài cái chùa, rồi tạc vài cái tượng, rồi hòm công đức, rồi tiền lẻ rơi đầy của các bà các chị leo Fansipan để đi lễ không nhỉ? Rồi đây, chàng trai hoang dã Fansipan của lòng tôi sẽ ngủ yên đó, im lìm mãi, để chiều lòng tất cả mọi người?
Tôi vẫn yêu Fansipan. Nhưng có lẽ, tôi sẽ tìm kiếm những đỉnh núi khác, bớt dấu chân người và cái nhịp nhộn tung hô của bao người đi leo núi như trẩy hội. Ai đó nói tôi là kẻ ích kỉ đi. Vì vốn dĩ thứ tình cảm đó là ích kỉ mà. Tôi muốn những gì thuộc về thiên nhiên thì hãy để nó được vẹn nguyên. Để cái nét hùng vĩ, kiêu hãnh với cái tên “nóc nhà Đông Dương” được trở thành một đỉnh cao đáng tự hào của dãy Hoàng Liên Sơn.
Để tôi, và những người bạn của tôi luôn tự hào khi bàn tay chạm nóc, luôn hạnh phúc khi được hòa mình với rừng núi Hoàng Liên hoang dại và đầy kiêu hãnh. Để những đứa trẻ khi học địa lý, ước mơ về một lần được chinh phục đỉnh núi cao nhất Việt Nam ấy như một điều ước đầy quyết tâm, chứ không phải cái tặc lưỡi: “Bỏ ra 500.000 đồng, leo lên cáp treo ngồi một lúc thôi là lên đến đỉnh ấy mà. Dễ ợt!”.
Và để, những người Mông làm porter không còn lo sợ vì một ngày nào đó họ sẽ nheo nhóc vì không còn ai cần họ nữa. Để họ vẫn còn được tiếp tục làm bạn với núi, tiếp tục giúp đỡ những đoàn leo núi thực hiện ước mơ chinh phục đỉnh cao.
Và hôm nay, tôi tạm biệt cái chóp inox đã từng khiến bao kẻ điên đảo động viên chính mình phải cố gắng để chinh phục.
Fansipan, chàng trai hoang dại, anh hãy cứ nằm lặng nơi sâu thẳm núi rừng, hát khúc ca kiêu hãnh nơi mây gió đại ngàn. Vì dù rằng cáp treo có xây, bao con người làm anh đau đớn thì em vẫn giữ tình yêu chân nguyên với anh. Thứ tình yêu đầu tiên cho ngọn núi đầu tiên em chinh phục! Chào anh, Fansipan!
Những ngôi nhà mái tôn kiên cố được dựng lên ở điểm trại 2.200m khiến Fansipan không còn mang hình ảnh của một cánh rừng hoang sơ nữa
|
”Lán trại” ở điểm trại 2800m rất khang trang, tiện nghi
|
Nỗi lo lắng của anh chàng porter A Sinh – các anh sẽ làm gì để sống?
|
|
|
Đỉnh Fansipan hoang dại ngày nào giờ đã rất nhiều máy móc, thiết bị, được xây dựng khang trang với những bậc thang cuối cùng khi lên đỉnh núi.
|
* LTS: Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả, là một bạn trẻ yêu thích du lịch khám phá, đang làm việc tại Hà Nội
Hạnh My
Ảnh: Hachi8
>> Hành trình chinh phục Tả Liên Sơn - Kỳ 2: Ở nơi ngày đêm gặp gỡ
>> Hành trình chinh phục Tả Liên Sơn - Kỳ 1: Rét buốt đầu đông
>> Tìm bình yên giữa đại ngàn
Bình luận (0)