Tội phạm ma túy, vì sao ngày càng táo tợn?: Phối hợp ngăn chặn

03/11/2018 07:07 GMT+7

Tội phạm ma túy ngày càng tăng, đặc biệt trên các tuyến biên giới đường bộ giáp với các nước Lào, Trung Quốc, Campuchia, ma túy ồ ạt tràn vào tiêu thụ ở VN hoặc chuyển đi nước thứ ba.

Trả lời PV Thanh Niên, lãnh đạo Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về ma túy (C04) - Bộ Công an lý giải những nguyên nhân tội phạm ma túy trong nước diễn biến ngày càng phức tạp; số vụ bắt giữ ma túy ngày càng tăng; lượng ma túy bị cơ quan chức năng thu giữ cũng ngày càng nhiều mặc dù đã triệt phá được rất nhiều chuyên án lớn.
Theo đó, nguyên nhân chính là do áp lực của tội phạm ma túy trên thế giới và trong khu vực, nhất là ở khu vực “tam giác vàng” và trên các tuyến biên giới đường bộ giáp với các nước Lào, Trung Quốc, Campuchia. Bởi đây là các cửa ngõ chính, các loại ma túy khi tràn vào VN tiêu thụ hoặc tiếp tục từ VN vận chuyển ma túy đi các nước thứ ba.
Nghi can bị bắt giữ với lượng lớn ma túy trong đường dây của Nguyễn Hoàng Oanh (chị ruột Dung “Hà”), bị C04 triệt phá tháng 9 vừa qua Ảnh: Ngọc Lê
Nghi can bị bắt giữ với lượng lớn ma túy trong đường dây của Nguyễn Hoàng Oanh (chị ruột Dung “Hà”), bị C04 triệt phá tháng 9 vừa qua Ảnh: Ngọc Lê

Móc nối hình thành đường dây mua bán
Theo tài liệu của C04 cung cấp, chỉ trong 9 tháng đầu năm 2018, lực lượng CSĐT tội phạm về ma túy của VN đã phát hiện, bắt giữ 19.712 vụ, 28.579 đối tượng, thu giữ 1.367 kg heroin, 686,8 kg và gần 1,2 triệu viên ma túy tổng hợp, 81,128 kg thuốc phiện, 229 kg thuốc phiện, 363 kg cần sa khô, 962 kg cần sa tươi, 119 cocain, 2.500 kg lá khat cùng nhiều phương tiện tài sản liên quan việc đi buôn ma túy. So với cùng kỳ năm 2017 tăng đến 1.581 vụ, tăng 1.458 đối tượng, ma túy thu giữ tăng 622 kg heroin, tăng 513.884 viên ma túy tổng hợp.
Số lượng lớn ma túy và nghi can bị bắt giữ trong đường dây của Nguyễn Hữu Hiệu (tức Hiệu "chuột"), bị C04 triệt phá tháng 7.2018 vừa qua ẢNH: NGỌC LÊ

C04 đánh giá, tội phạm ma túy không chỉ hoạt động ở đường bộ mà còn hoạt động phức tạp trên đường biển và đường hàng không. Vì vậy, việc đấu tranh của lực lượng phòng chống ma túy gặp nhiều thách thức, khó khăn hơn.
Đại tá Lê Thanh Liêm, nguyên Phó cục trưởng C04 - Bộ Công an, nhận định hiện nay tình trạng tội phạm ma túy có tổ chức, liên quan đến nước ngoài nhiều, không chỉ dừng lại ở các nước Lào, Trung Quốc, Campuchia mà các đối tượng người châu Âu, châu Mỹ, châu Phi cũng vào nước ta với danh nghĩa thăm người thân, đi du lịch, đầu tư kinh doanh để ra vào VN nhưng thực tế mục đích chính là mua bán, vận chuyển ma túy. Chúng còn triệt để lợi dụng chính sách tạm nhập tái xuất hàng hóa để trung chuyển ma túy và các loại tiền chất qua VN rồi mới đi nước thứ ba tiêu thụ. Đặc biệt, ở khu vực biên giới, các băng nhóm tội phạm có tổ chức, trang bị vũ khí nóng hoạt động manh động.
“Tại sao ma túy mỗi lần giao dịch có đến hàng trăm bánh như vậy? Bởi tội phạm ma túy trong và ngoài nước có sự câu kết chặt chẽ với nhau. Dù có đang bị truy nã thì vẫn trốn ra nước ngoài, hình thành đường dây buôn ma túy “rót” lượng ma túy khủng khiếp vào VN. Các đối tượng cầm đầu đường dây ma túy đều có lệnh truy nã, nhiều tiền án, tiền sự về ma túy. Chúng không lộ diện bao giờ mà thuê người dân tộc thiểu số, con nghiện, trẻ em, người nhiễm HIV để giao dịch ma túy. Nếu các đối tượng bị lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ thì luôn chống trả bằng vũ khí nóng”, lãnh đạo C04 nhấn mạnh và cho biết, những năm gần đây, tội phạm ma túy có xu hướng móc nối với tội phạm hình sự và kinh tế khiến tình hình phòng chống tội phạm ma túy ngày càng phức tạp hơn. Đặc biệt, lượng heroin từ Lào tuồn vào VN để đưa sang Trung Quốc tiêu thụ cực lớn.
“Trước đây ma túy tổng hợp tràn từ Trung Quốc vào VN thì bây giờ quy luật hoạt động đã xoay ngược lại từ VN tràn sang Trung Quốc. Bởi do công nghệ, đối tượng người Trung Quốc sang khu vực “tam giác vàng” để sản xuất ma túy tổng hợp nên số lượng ma túy ở khu vực này rất nhiều, giá thành lại rẻ. Dưới góc độ quan hệ cung cầu tất yếu sẽ dẫn đến buôn bán, vận chuyển từ nơi rẻ đến nơi có giá cao hơn”, C04 nhấn mạnh.
Ngăn chặn ma túy từ việc quản lý tiền chất
Về giải pháp trong phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn với tội phạm ma túy trong thời gian tới, C04 nhấn mạnh lực lượng CSĐT tội phạm về ma túy cần đầu tư trang thiết bị, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào công tác đấu tranh phòng, chống ma túy, đầu tư thêm các loại công cụ hỗ trợ để luôn đảm bảo an toàn cho cán bộ chiến sĩ.
“Hiện nay các băng nhóm tội phạm ma túy trang bị vũ khí nóng. Vì vậy, cơ quan chức năng quản lý vũ khí, vật liệu nổ phải giám sát chặt chẽ nhằm hạn chế tình trạng vũ khí “nóng” trôi nổi trên thị trường. Không để tội phạm ma túy có điều kiện sử dụng vũ khí nóng chống lại cơ quan chức năng. Cần tăng cường trang bị, phương tiện, vật chất đảm bảo hơn nữa cho lực lượng đấu tranh chống tội phạm ma túy trong tình hình như hiện nay”, đại tá Liêm nói.
Đối với tình trạng sử dụng tiền chất để sản xuất ma túy tại VN, lãnh đạo C04 đánh giá đây chính là kẽ hở trong quản lý tiền chất. Các đối tượng mua được các tiền chất để sản xuất ma túy ở chợ Kim Biên (TP.HCM) hay các chợ ở Hà Nội, rất dễ dàng, số lượng cực lớn. Việc quản lý, kiểm soát trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, sử dụng tiền chất và các nguyên liệu có chứa chất ma túy thuộc Bộ Công an, Bộ Y tế... nhưng còn lỏng lẻo. “Vì lỏng lẻo nên các đối tượng trong đường dây ma túy mà cơ quan công an đã triệt phá từng mua các tiền chất như methylamine, hóa chất acetone và methanol để sản xuất ma túy tại VN. Ngay từ đầu cần phải ngăn chặn ma túy từ công tác quản lý tiền chất này, như vậy mới đáp ứng nhiệm vụ đặt ra trong công tác phòng chống ma túy”, lãnh đạo C04 nói.
Vị lãnh đạo này kiến nghị, cần phân công cụ thể vai trò, trách nhiệm của các bộ, ngành trong việc quản lý, kiểm soát tiền chất tại VN, đồng thời xây dựng quy chế phối hợp giữa các đơn vị để tránh chồng chéo hoặc đùn đẩy trong công tác quản lý tiền chất giữa tình hình phức tạp về buôn bán, sản xuất, vận chuyển ma túy đáng báo động như hiện nay.
Ngoài ra, C04 cho rằng cần phải phối hợp và học hỏi kinh nghiệm phòng chống tội phạm ma túy của các nước trên thế giới, có như vậy mới đẩy lùi tiến tới xóa bỏ loại tội phạm nguy hiểm này. Lực lượng CSĐT tội phạm về ma túy có vai trò chủ trì, nòng cốt đấu tranh chống tội phạm, nhưng lực lượng bộ đội biên phòng cũng cần phát huy vai trò chủ trì nòng cốt trong đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy ở địa bàn biên giới. Lực lượng hải quan cũng phải tăng cường hiệu quả việc phòng chống tội phạm ma túy, kiểm soát nhập khẩu, xuất khẩu, vận chuyển quá cảnh lãnh thổ VN chất ma túy, tiền chất. Hoạt động của tội phạm ma túy không có biên giới nên muốn đấu tranh chống tội phạm này có hiệu quả, cả hai lực lượng này phải phối hợp đấu tranh chặt chẽ, thống nhất giữa nội địa và khu vực biên giới; trong nước và ngoài nước. Có như vậy thì tội phạm ma túy mới thuyên giảm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.