Biến nỗi sợ thành hành động

27/08/2021 13:00 GMT+7

Đại dịch Covid-19 là thảm họa chưa có tiền lệ, báo chí cũng phải tự mày mò lối đi để làm hết trách nhiệm với cộng đồng, phục vụ lợi ích của quốc gia, dân tộc.

Sáng, chưa kịp rời khỏi giường, đã nghe chuông điện thoại: bạn đồng nghiệp báo tin cả bố mẹ vợ bạn cùng ra đi một lúc vì Covid-19. Lướt nhanh facebook như một thói quen, lô lốc những tin nhắn trong hộp thoại Messenger và quá chừng những dòng trạng thái của các bạn bè chia sẻ trên những Group trong đêm khuya chưa đọc mà nội dung không cần đọc cũng biết chỉ xoay quanh đề tài Covid-19.
Thời dịch giã, thông tin tràn ngập nhưng người ta vẫn đói khát. Và mạng xã hội, và tin đồn thời màn hình cảm ứng đã góp một phần làm thỏa mãn nhu cầu chia sẻ và được sẻ chia ấy, nhất là trên những nhóm riêng tư, nhóm kín (close group). Cùng với tâm lý lo lắng, những tin tức “nghe ông anh bên quân đội”, “ông chú ở ủy ban”, “đứa cháu ở y tế”, “thằng bạn ở bệnh viện XYZ”… rò rỉ về những chuyện tử vong, hỏa thiêu, F0 vì Covid-19 ở một khu phố, một gia đình hoặc tin đồn siết giãn cách, tin đồn phong tỏa v.v… ngày nào cũng xuất hiện và lan truyền. Thông tin được phổ biến ấy không chỉ là những dòng văn bản mà còn có video clip, có ảnh, có chụp màn hình, có audio các cuộc điện thoại v.v… để tăng độ tin cậy.
Con vi rút SARS-CoV-2 vô hình gây nên hậu quả vô cùng thảm khốc. Thật khó tưởng tượng được có những gia đình phải đón nhận sự mất mát nhiều người cùng một thời điểm trong bệnh viện dã chiến nhưng rồi cũng không thể tổ chức tang chế vì quãng đường từ nhà xác tới lò thiêu rồi về nhà mình trở nên quá xa do thành phố quá tải.
Nỗi sợ - một bản năng sinh tồn khi có những vấn đề liên quan đến sức khỏe, tính mạng - như một thứ vũ khí tấn công vào môi trường truyền thông. Khi báo chí chính thống vô tình bỏ lỡ trận địa, tin đồn sẽ có cơ hội phát triển mạnh và gieo rắc hoang mang.
Tin đồn là cơ chế truyền thông xã hội nào cũng có, thời nào cũng có. Ở những nước nông nghiệp, ở những cộng đồng thông tin ít minh bạch, tin đồn càng có đất sống. Tin đồn hiện nay được chắp cánh bởi mạng xã hội dưới hình thức đa phương tiện nên nó cạnh tranh bình đẳng với thông tin chính thống. Và một khi ai cũng có thể “làm báo”, các thành viên mạng xã hội, những người nhận tin đồn lại tiếp tục thành nhà truyền thông thứ cấp trong các mối quan hệ chằng chịt của đời sống xã hội.
Thành viên “mạng tin đồn” có khi không xuất phát từ một động cơ vụ lợi nào nhưng việc truyền tin của họ thường phản ánh mối quan tâm, thói quen, sở thích của họ. Tốc độ phân phối tin đồn phụ thuộc vào tính hấp dẫn, tầm quan trọng của vấn đề đối với từng cá nhân cho nên trong nhiều trường hợp, khi sự kiện, vấn đề bị đồn thổi có liên quan đến số đông thì việc lần theo các chi tiết để tìm ra dấu vết khởi nguồn của tin đồn là rất khó. Tất nhiên, cơ chế tự điều chỉnh (self-regulation) ở các nhóm xã hội trong những nhóm kín hay trên mạng xã hội cũng góp phần hạn chế tin giả, nhưng không phải nhóm nào cũng có người đủ hiểu biết và tỉnh táo để giúp cộng đồng kiểm chứng (double-check hay cross-check) thông tin. Trong khi đó, tin rò rỉ, tin vỉa hè luôn có sức hấp dẫn và kích thích sự hiếu kỳ của đám đông. Cũng cần nói thêm, không phải tin tức phi chính thống nào cũng là thông tin thất thiệt nhưng khi đặt lên bàn cân thì tin tức phi chính thống phải trở về vị trí của nó – một không gian phóng chiếu những dự cảm, kỳ vọng, sợ hãi, ẩn ức… nhiều hơn là phản ánh thực tại.
Báo chí ở bất cứ quốc gia nào, thời nào cũng là kênh chủ đạo trên mặt trận truyền thông. Trong đại dịch, vai trò của báo chí càng quan trọng. Báo chí không chỉ “tham gia chống dịch” mà thực sự phải là lực lượng chính quy trong cuộc chiến này. Báo chí trực tiếp chống tin giả, tin thất thiệt. Báo chí cổ vũ, biểu dương, ca ngợi, động viên những tấm gương cá nhân và tập thể. Báo chí hướng dẫn cho cộng đồng hành động đúng. Báo chí xây dựng niềm tin cho nhân dân. Để làm tốt chức năng của mình, để thông tin có trách nhiệm, báo chí không được phép nhường sân cho tin đồn, tin thất thiệt, tin giả làm hại cộng đồng.
Đại dịch Covid-19 là thảm họa chưa có tiền lệ, báo chí cũng phải tự mày mò lối đi để làm hết trách nhiệm với cộng đồng, phục vụ lợi ích của quốc gia, dân tộc. Đợt dịch thứ 4 này chưa kết thúc nhưng đã gây ra bao nhiêu đau thương và còn đang tiếp tục thử thách sức chịu đựng của người dân mà hàng chục năm sau nữa, những câu chuyện hôm nay sẽ còn được kể lại.
Đừng nhầm lẫn giữa việc truyền thông dựa trên nỗi sợ và truyền thông thổi phồng nỗi sợ (fear mongering). Thổi phồng nỗi sợ là vi phạm đạo đức, là truyền thông bẩn. Nhưng dùng nỗi sợ như một thông điệp cảnh báo là chuyện tự cổ chí kim truyền thông đều khai thác. Nếu để ý, dễ thấy các chiến dịch vận động bỏ thuốc lá, đội mũ bảo hiểm, bảo vệ môi trường... đều sử dụng thủ pháp “đe dọa”. Vấn đề là nội dung của thông điệp truyền thông không được phép thổi phồng nỗi sợ, đồng thời phải biết chỉ ra giải pháp cho đối tượng mục tiêu vượt qua nỗi sợ.
Đừng quá lo lắng rằng công chúng sẽ hoang mang trước những thông tin về hậu quả của thảm họa. Truyền thông chính thống hãy đối mặt với nó, nỗi sợ giúp chúng ta thay đổi hành vi. Nỗi sợ giúp chúng ta biết hành động.
 
* Bài viết thể hiện quan điểm và văn phong riêng của tác giả, một chuyên gia truyền thông tại TP.Hồ Chí Minh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.