Bản kiểm điểm bao diêm

29/09/2017 10:52 GMT+7

Năm học lớp 3, tôi phải viết bản kiểm điểm có chữ ký của phụ huynh, vì can tội… đánh nhau với một bạn gái cùng lớp.

Tôi vốn là một học sinh ít tội, chỉ thi thoảng có nói chuyện riêng, quên làm bài tập giống như mọi đứa trẻ khác. Do đó, phải viết bản kiểm điểm thật sự là cú sốc lớn. Tôi lo lắng, căng thẳng, hoảng sợ, không biết làm sao để bố mẹ tôi chấp nhận thực tế tôi là một đứa trẻ đánh nhau và ký vào bản kiểm điểm đó.
Một bà chị lớn hơn tôi 3 tuổi mách, “em có thể bảo muốn xem chữ ký mẹ xem có đẹp không, rồi em lấy tờ giấy mẹ đã ký vào đó, viết phần kiểm điểm lên phía trên, thế là xong”. Tôi khờ dại, nghe theo. Khổ nỗi, mẹ không ký xuống cuối trang giấy mà ký lửng lơ ở phần giữa trang, khiến tôi chỉ có vài dòng trống để viết chèn vào. Tôi lại cẩn thận cắt đi phần giấy thừa phía đuôi, và thế là, bản kiểm điểm của tôi chỉ bằng hai bao diêm, nhìn vô lý vô cùng.

tin liên quan

Thạc sĩ sư phạm đi bán cá
Thu là bạn thân của tôi từ thuở học vỡ lòng, hai đứa học chung 12 năm, cho đến ngày nộp hồ sơ thi đại học thì mỗi người chọn mỗi con đường riêng.

Hiển nhiên cô giáo chủ nhiệm tôi không đồng ý. Cô gặp mẹ tôi và mách, “Con gái chị đánh nhau. Bà kia tám lạng, chị này nửa cân, rất ghê gớm”. Tôi phải viết lại một bản kiểm điểm khác. May mắn cho tôi, mẹ tôi hiểu chuyện, bà kể cho tôi nghe, ngày xưa khi đi học, bà cũng từng đánh lại một đứa con gái từng xuyên tạc chuyện không đúng về gia đình mình. Bà chỉ khuyên tôi nên trung thực. Cho đến hết những năm đại học, đó là lần duy nhất tôi phải viết bản kiểm điểm.
Gần 20 năm đã trôi qua, thật không ngờ là đến bây giờ việc giáo dục của học sinh Việt Nam vẫn quẩn quanh chuyện cái bản kiểm điểm. Sau bức tâm thư của một phụ huynh trên mạng xã hội, người ta mới hiểu rõ hơn, một trường dân lập là ước mơ của bao nhiêu người mà bắt học sinh viết bản kiểm điểm “nhiều như bươm bướm”. Nhiều đến mức, học sinh phải viết kiểm điểm thì chai sạn cả nỗi sợ. Phụ huynh bị mời đến trường nhiều đến mức thương xót cho các con mình đang như kẻ tội đồ trước mắt thầy cô.
20 năm trước, trước mỗi buổi họp phụ huynh học sinh, mẹ tôi thường ngao ngán, “lại đến trường nghe cô thông báo thu tiền”. Buổi họp nào cũng là kê khai thu bao nhiêu tiền năm qua, chi tiêu ra sao, báo cáo nộp thêm bao nhiêu nữa. Những học sinh điểm kém, quên làm bài, không mặc đồng phục… thì bị chỉ đích danh, nhiều cha mẹ đi họp cho con là mặt cúi gằm, nóng bừng.
20 năm sau, chuyện họp phụ huynh cũng y chang như thế.
20 năm trước, chúng tôi mắc lỗi thì bị phạt nhổ cỏ, quét sân trường, móc cống, xách nước đi dội nhà vệ sinh trường học. 20 năm sau, nhiều trường cũng phạt học sinh nguyên xi như vậy, với lý do, để học sinh yêu lao động…
Viết bản kiểm điểm là nỗi ám ảnh với nhiều học sinh ảnh minh hoạ
Giáo dục nước nhà, bao nhiêu năm nỗ lực đổi mới, nhưng nhìn từ buổi họp phụ huynh đến cách kỷ luật học sinh vẫn đi theo lối mòn hàng chục năm trước, thì liệu có thể đổi mới và tiến bộ được hay không?
Tôi rất tâm đắc với bình luận của một bạn đọc phía sau bài viết về trường dân lập đang gây bão, “Thay vì bắt viết hàng chục bản kiểm điểm, tại sao không bắt học sinh nghe đi nghe lại hàng chục lần clip tiếng Anh, là phạt, nhưng cũng là tốt cho các em, hỡi các cô chủ nhiệm?”.
Thầy giáo Đỗ Việt Khoa, người từng phanh phui nhiều vụ tiêu cực trong thi cử ở Hà Tây (bây giờ là Hà Nội), Bắc Giang, chia sẻ với Thanh Niên: “Tất cả việc giáo dục nên ở cái tâm của người thầy. Nếu chúng ta vì học sinh thân yêu thật sự, biết tôn trọng trẻ em, biết phục vụ con người... chắc chắn không có chuyện kỷ luật học sinh vô lối”.
Chữ tâm đó, vẫn là ước mơ của bao thế hệ. Đâu đó trên dải đất này, Hà Nội, TP.HCM hay biên cương xa xôi, chúng tôi vẫn luôn tin và biết rằng, còn rất nhiều thầy cô có tâm, như những ngôi sao đang lấp lánh sáng…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.