Cốc nước đường hòa thuốc diệt cỏ

03/10/2016 09:27 GMT+7

Ngô Văn Phú (26 tuổi ở xã Nguyễn Huệ, thị xã Đông Triều, Quảng Ninh) đã cho con gái 5 tuổi uống cốc nước ấy.

Cái chết tức tưởi của cháu bé đã gây phẫn nộ trong dư luận và gióng lên hồi chuông cảnh báo về nạn bạo lực gia đình.
Ngồi trước mặt tôi là chị Nguyễn Thị Bích, vợ Phú. Mới 23 tuổi nhưng 3 lần sinh nở cùng những áp lực, lo toan khiến chị già dặn như ngoài 30 tuổi. Chị khóc, nước mắt giàn giụa khi kể về đứa con gái đầu lòng đoản mệnh Ngô Thị T.P tử vong hôm 25.9.
Trước đó, trưa ngày 23.9, Phú mua 2 lọ thuốc diệt cỏ và 1 kg đường trắng rồi hòa nước cho bé P. uống. Nguyên nhân xuất phát từ những mâu thuẫn kéo dài trong cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ này. Phú không có việc làm ổn định, hay rượu chè, có biểu hiện sử dụng ma túy đá và đánh đập vợ con mỗi khi tức giận, không có tiền tiêu.
Chị Bích cho biết không thể nhớ được hết những trận đòn roi vô cớ mà Phú đã trút lên thân thể bé nhỏ, để lại nhiều vết sẹo trên cánh tay, chân, mặt, đầu mình. Mỗi lần bị đánh chấn thương chị không có tiền đi bệnh viện nên chỉ ra trạm y tế xã Nguyễn Huệ băng bó rồi về nhà nghỉ chờ khỏi để đi làm. Cuộc sống vợ chồng lục đục khiến chị phải thốt lên “là địa ngục trần gian” khi trải lòng với chúng tôi. Nhiều lần chị đã viết đơn ly hôn nhưng Phú không chấp nhận nên đành cam chịu sống cảnh cơm không lành, canh không ngọt với chồng.
Bé P. tử vong là sự việc đau xót, đáng tiếc, là giọt nước tràn ly của nạn bạo lực kéo dài trong gia đình chị Bích mà không giải quyết được dứt điểm. Xét rộng ra, vấn nạn này đang tồn tại và trở nên nhức nhối ở nhiều gia đình người Việt với những biểu hiện khác nhau, không chỉ là đánh đập thể xác mà còn là sự đay nghiến, đày đọa tinh thần và ruồng bỏ không thương tiếc.
4 năm trước, tôi có gặp chị Đào Thị Liễu (40 tuổi, trú ở xã Tân Dân, H.An Lão, TP.Hải Phòng). Chị là nạn nhân trong vụ cháy xưởng giày da kinh hoàng ở xã Tân Dân hồi cuối tháng 7.2011 làm 13 người chết. Khi chị gặp nạn, trên người nhiều vết sẹo cũng là lúc người chồng tỏ ra hờ hững, không chăm sóc và viết đơn li dị. Rời bệnh viện trở về nhà chị phải trông chờ vào sự giúp đỡ của nhà ngoại.
Tương tự như chị Liễu, chị Nguyễn Thị Hằng (33 tuổi, quê thôn Trúc, xã Ngũ Đoan, H.Kiến Thụy, TP.Hải Phòng) rơi vào hoàn ảnh éo le sau tai nạn giao thông xảy ra trên đường đi làm vào tháng 7.2013. Chị phải tháo khớp chân bên phải, cắt bỏ tử cung và giảm 86% sức khỏe. Đứa con thứ 2 trong bụng chị được hơn 8 tháng, đã không được chào đời. Sau hơn 5 tháng nằm viện, trở về nhà chồng, chị không còn được “tiếp nhận”… Chị phải trở về nhà bố mẹ đẻ để nhờ cậy. Tuy nhiên, bố mẹ chị đều đã già, kinh tế cũng khó khăn. Đứa con gái 5 tuổi của chị cũng phải ở với ông bà nội chứ không được ở bên mẹ. Người chồng cũng không còn quan tâm đến chị. Vậy là gia đình tan tác, chị một mình chống chọi với bệnh tật và những tủi hờn, cô đơn của một người khuyết tật.
Vết thương nào rồi cũng lành theo thời gian nhưng để lại sẹo trên da thịt và nỗi đau hằn vào tâm trí. Trong cuộc bạo hành như thế, có lẽ người phụ nữ và những đứa con thơ dại là đau khổ nhất. Người phụ nữ khi còn tuổi xuân phải làm lụng, sinh nở, cố gắng hy sinh bản thân để vun đắp cho tổ ấm nhưng trong lúc hoạn nạn bị ghẻ lạnh, vứt bỏ như một bông hoa tàn.
Bạo lực gia đình không phải là vấn đề mới, được thảo luận sôi nổi nhưng dường như các cấp quản lý chưa có một giải pháp hữu hiệu để chấm dứt. Thậm chí, nó có thể sẽ còn nhức nhối hơn nữa trong tương lai nếu mỗi người sống vị kỷ, không biết nhìn lại mình và yêu thương người trong cuộc sống hối hả.
Dù mỗi người có hoàn cảnh khác nhau nhưng chị Bích, chị Liễu, chị Hằng đều giống nhau ở nỗi đau về một cuộc hôn nhân đầy bạo lực. Bạo lực về thể xác, tinh thần là hiện thân của cái ác.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.