'Cống nước mà biết nói năng...'

04/10/2017 13:38 GMT+7

7 tuần lễ sau cái chết tức tưởi của cháu Bích Diệp, học sinh lớp 6 trường THCS Lý Tự Trọng, phường Giếng Đáy, thành phố Hạ Long, Quảng Ninh, tôi có việc phải đi ngang cống thoát nước, nơi cháu cùng chiếc xe đạp bị cuốn trôi...

Hạ Long những ngày qua mưa xối xả, cơn mưa lớn bắt đầu từ sáng sớm kéo dài tới quá trưa, do đó, nước vẫn chảy rất xiết dưới lòng chiếc cống thoát nước. Tuy nhiên, điều khác biệt là xung quanh cống nước đã được hàn những lan can sắt rất chắc chắn.
“Phường cho thợ đến làm 2 tuần trước. Chúng tôi cũng đỡ lo khi tới mùa mưa. Cô xem này, có cả biển báo nguy hiểm”, một cụ ông hơn 70 tuổi nhà ở gần đó chỉ vào tấm biển hình tam giác màu vàng, viền đỏ mới được cắm xuống.
Tôi mừng. Ít nhất thì sau những bài viết của đồng nghiệp trên báo Thanh Niên về sự vô lý của cống thoát nước không nắp che, không hàng rào bảo vệ, cả sự thiếu trách nhiệm của những người lớn trong việc đảm bảo an toàn cho trẻ em, phường Giếng Đáy đã lắng nghe và có sự đổi thay. Những lan can sắt giá trị chỉ tầm vài chục triệu đồng, nhưng người dân nơi đây đã phải chờ đợi hàng chục năm. Sự muộn màng đó đã phải trả giá bằng 2 sinh mạng người.

tin liên quan

Các bên đổ lỗi trách nhiệm vụ bé trai bị nước cuốn xuống cống
Ngày 29.9.2017, thi thể bé Nguyễn Tấn Trường, học sinh lớp 4 Trường tiểu học Chu Văn An, xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai bị chết vì nước mưa cuốn xuống cống vào chiều ngày 27.9 đã được gia đình đưa về quê ở tỉnh Tiền Giang lo hậu sự.
Nhà tôi ở cách cống thoát nước kia không xa. Gần 20 năm trước, tôi, khi bằng tuổi bé Diệp, cũng đạp xe cùng chúng bạn qua con đường kia để đến trường. Ngày đó, đường hẹp hơn, cống nước rộng hơn, sau những cơn mưa lớn, nước chảy tràn ra, mênh mông như một con sông lớn. Trẻ con vốn hiếu động và tò mò, nhiều lần tôi và các bạn đã thi nhau đạp xe thật nhanh qua dòng nước. Giờ nghĩ lại thấy rùng mình.
Năm 2016, một cụ bà bị cuốn trôi xuống chiếc cống này, thiệt mạng. Mới đây, cách đây 7 tuần lễ, bé Diệp cũng bị cuốn xuống chiếc cống oan nghiệt, xác trôi xa ra tận hồ nước cách đó vài cây số, phải nửa ngày sau mới tìm thấy thi thể. Gần 20 năm, 2 mạng người đã mất, hàng chục bài báo, video truyền hình lên tiếng, những lan can sắt mới được hình thành - việc đáng lẽ phải làm từ rất lâu.
Nơi cháu bé bị nước cuốn ngày trước đã được lắp lan can và biển báo nguy hiểm Thúy Hằng
Điều rất buồn là những vụ trẻ em gặp tai nạn thương tâm từ những mương, cống thoát nước không nắp đậy và rào chắn liên tiếp xảy ra thời gian qua. Mới đây nhất, cháu học sinh lớp 4 ở huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai tử vong vì rớt cống. Trước đó, tai hoạ cũng đã xảy ra với nữ sinh 16 tuổi ở thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước; bé 8 tuổi ở thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương...
Thế nhưng, trái ngược với sự đau đớn, chua xót của gia đình và sự lên tiếng mạnh mẽ của dư luận, những người có trách nhiệm, lãnh đạo các xã, phường, huyện nơi xảy ra tai nạn đã nói gì? Họ đổ lỗi cho nhau.

tin liên quan

Kỷ luật… cống thoát nước!
Hơn 50 trẻ em tử vong vì đuối nước dưới ao hồ, cống thoát nước, bãi tắm tự phát chỉ trong một năm tại Quảng Ninh, nhưng câu hỏi trách nhiệm thuộc về ai vẫn chưa có lời giải đáp.
Tôi vô cùng buồn khi đọc bài viết của đồng nghiệp mới đăng ngày 2.10 trên Thanh Niên, Trưởng ban quản lý dự án huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai, ông Đoàn Tấn Lực xác nhận tuyến đường nơi tai nạn xảy ra cho cháu bé lớp 4 do đơn vị này làm chủ đầu tư, nhưng lại nói, cái này các doanh nghiệp tự làm, không báo nên ban quản lý không biết.
Còn ông Lê Quang Hiển, Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Vĩnh Cửu, trả lời: “Họ xây dựng công trình trên không xin phép nên chúng tôi không hề hay biết”, rồi đẩy trách nhiệm: “Việc phát hiện hay không là do ban quản lý dự án chứ không phải chúng tôi”.
Một bạn đọc của Thanh Niên chua xót, “Có một lần tôi xem một chương trình truyền hình của Hàn Quốc. Lúc ấy ở Hàn vừa có một tai nạn thảm khốc khiến nhiều học sinh thiệt mạng. Các nghệ sĩ của chương trình đã quỳ xuống xin lỗi quốc dân dù họ không liên quan gì, họ xin lỗi vì "là người lớn, chúng tôi cảm thấy có trách nhiệm khi không đảm bảo an toàn cho thế hệ tiếp theo của đất nước". Ấy thế mà ở đây, trên nước ta, những người có trách nhiệm trực tiếp lại luôn cố gắng chứng minh mình vô can”.
Chiếc cống thoát nước vô tri vô giác, nó lặng yên trước những lời đổ lỗi, nguỵ biện của những nhà chức trách.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.