Tại 'thiên' hay tại 'nhân' ?

Bắc Bình
Bắc Bình
14/03/2020 07:01 GMT+7

Hạn mặn khốc liệt đang diễn ra tại ĐBSCL khiến hơn 92.000 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt ; hàng chục ngàn héc ta lúa đông xuân có nguy cơ mất trắng và hàng trăm ngàn héc ta cây trồng bị ảnh hưởng…

Song, phức tạp nhất là nguyên nhân xảy ra hơn 1.000 điểm sụt lún tại các công trình chủ yếu từ nguồn vốn nhà nước tại Cà Mau, Tiền Giang, Long An.
Trong đó, trên địa bàn tỉnh Cà Mau, có hơn 500 điểm sụt lún đất bất thường (chiếm hơn 50% các vụ sụt lún lớn, nhỏ trên địa bàn tỉnh trong hơn 2 tháng qua) xảy ra phổ biến tại các công trình đê bao, giao thông, dân dụng công ích trong tiểu vùng ngọt hóa thuộc địa bàn H.Trần Văn Thời. Nguyên nhân ban đầu được ngành chuyên môn của tỉnh này xác định do “mực nước ngầm trong đất bị hạ thấp”.
Tuy vậy, sau khi UBND tỉnh này tổ chức cuộc khảo sát thực địa tại các điểm sụt lún thì các nhà khoa học lại cho rằng nguyên nhân chính dẫn đến sụt lún là do “chất lượng công trình quá thấp”.
Thực tế là sụt lún chỉ xảy ra tại các công trình lấy đất lấp nền hạ gần bên công trình chính, chất lượng vật tư thi công không đảm bảo, thi công cẩu thả... Thật trùng hợp, sụt lún tại các công trình giao thông cũng đang xảy ra tại vùng ngọt hóa cục bộ thuộc H.Gò Công (Tiền Giang) và 2 huyện: Tân Trụ, Thạnh Hóa (Long An). Hai tỉnh này cũng đang trong quá trình xác định nguyên nhân như cách mà Cà Mau đã thực hiện.
Sụt lún bất thường tập trung ở các công trình giao thông, dân sinh vùng nông thôn là câu chuyện rất cần được các nhà chức trách tìm ra nguyên nhân cốt lõi để khắc phục, trị tận gốc. Đặc biệt, cần làm rõ do “mực nước ngầm trong đất bị hạ thấp” (yếu tố tự nhiên) hay “chất lượng công trình quá thấp” (yếu tố con người). Làm được điều này, tức trả lời câu hỏi: Tại “thiên” hay tại “nhân”?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.