Tạm biệt Thanh Hằng

23/09/2016 08:44 GMT+7

Vậy là Nguyễn Thị Thanh Hằng, cô gái xinh đẹp nhưng xấu số, nữ cử nhân biến dạng toàn thân sau vụ bỏng xăng tại Bình Định đã qua đời, ngay trên chiếc giường em đang điều trị tại Viện bỏng quốc gia, Hà Nội.

Tôi biết tin đó sáng sớm nay, 23.9, và bàng hoàng. Vậy là cô gái bao đam mê, ước vọng đã kết thúc cuộc đời ở tuổi 23.
Những ngày đến thăm Thanh Hằng ở Viện bỏng quốc gia, phải mạnh mẽ lắm tôi mới đứng được trước thân thể băng bó kín mít, loang lổ máu và thuốc sát trùng, được y tá cố định trên không bằng những sợi dây của em.
Hằng từng là một cô gái rất xinh đẹp, cho đến ngày 2.9, chuyển từ Bình Định ra Viện bỏng quốc gia, Hà Nội, không ai nhận ra Hằng nữa. Toàn bộ phần da bên ngoài của em đã chết, kể cả trên khuôn mặt, hai bàn tay bị hoại tử, phải tháo khớp hết 10 ngón. Bác sĩ nói nếu Hằng mạnh mẽ vượt qua cơn ác mộng này, một cơn ác mộng khác sẽ đợi em ở phía trước với thân thể co quắp và khuôn mặt biến dạng. Hằng có chịu nổi không?
Những người hàng xóm của Hằng ra Hà Nội cùng bố Hằng chăm người bệnh. Nhưng họ rất ít khi được cho vào tận phòng Hằng điều trị, một phần để tránh nhiễm khuẩn, phần khác các bác sĩ hiểu, ngoài bố mẹ chắc khó có một ai đủ bình tĩnh trước một thân thể đang đau đớn trong tuyệt vọng, cả thể xác và tâm hồn. Hằng hay khóc, cô thều thào nói chuyện với bố: “Bố ơi tay con đâu? Bố ơi rồi sau này thấy mặt mũi con xấu xí, người ta có xa lánh, ghẻ lạnh con không. Bố ơi…”.
Hiến da để các bác sĩ cứu con, ông Thành đã làm. Bán nhà, ông cũng đã bán. Vay mượn, ông cũng đã vay rồi, đâu chỉ riêng con gái ông, cả vợ và đứa con trai út của ông cũng đang nằm điều trị bỏng ở Viện. Tất cả những gì người cha còn là đôi tay và một cơ thể khỏe mạnh nhất nhà. Thế nhưng, đêm 21.9, Hằng đã ra đi. Kết thúc những ngày đau đớn tột cùng trên giường bệnh. Kết thúc những ác mộng mà cô gái bao đam mê và khát vọng phải đón nhận, khi em mở mắt và biết mình mất 10 đầu ngón tay, biết mình không thể trở về bình thường được nữa...
Hằng đã ra đi, giải thoát khỏi đau đớn và tuyệt vọng của cuộc đời này Thúy Hằng
Ngày cuối cùng của tháng 8, tôi được tham dự một lễ ra viện đặc biệt của Gấu, con của nữ chiến sĩ công an từ chối hóa trị ung thư phổi giai đoạn cuối, để con được chào đời khỏe mạnh.
Mẹ Gấu, thiếu úy Đậu Thị Huyền Trâm trong một lần duy nhất trước lúc qua đời được gặp con, chị cầm mãi bàn tay nhỏ xinh của con trong lồng kính nói, “Con phải mạnh mẽ nhé, phải mạnh mẽ nhé”.
Tôi vẫn nhớ lời bác sĩ Nguyễn Ngọc Lợi, Giám đốc Giám đốc Trung tâm chăm sóc và điều trị sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản T.Ư, nói với rất đông phóng viên có mặt ngày con ra viện: “Hôm nay, tôi vui, nhiều người cũng rất vui khi Gấu đã được xuất viện. Nhưng niềm vui không trọn vẹn khi con đã vĩnh viễn mất đi niềm yêu thương của mẹ. Chúng ta cùng dành cho con tình yêu thương nhiều hơn gấp bội, chúc con hay ăn, chóng lớn, thông minh, nhanh nhẹn, giống như tên gọi mà mẹ con đã gửi trọn tình thương cho con, Gấu”. Mọi người đều lặng đi.
Gấu, em bé mạnh mẽ được trao cho người cha của em, khi mẹ em đã vĩnh viễn không còn trên đời này Lê Nam
Chẳng ai yêu thương con bằng cha mẹ. Nghề nghiệp cho tôi gặp anh HLV bắn súng bị ung thư đại trực tràng phải hóa trị, rất mạnh mẽ nhưng đã khóc, lỡ mình chết đi, ai nuôi nấng Tôm, Tít hai con trai bé bỏng của anh. Mẹ Trần Mai Anh, bà mẹ của 3 cậu bé đáng yêu Thiên Minh, Hải Minh, “chú lính chì” Thiện Nhân vẫn ngày ngày ghi nhật ký trưởng thành của các con, đôi khi chỉ qua một tấm ảnh thương yêu. Những bà mẹ bị trao nhầm con năm nào, họ vẫn thắt ruột thương yêu đứa con mình nuôi nấng mấy chục năm trời và đêm đêm khóc thầm, con ruột của họ đang ở nơi đâu.
Tình mẫu tử, phụ tử không hề được tô vẽ trong sách vở. Nó ở ngay trong cuộc sống này, trong cuộc đời của mỗi chúng ta. Hôm qua, tôi nghe thấy một cô sinh viên gắt gỏng khi mẹ gọi điện hỏi con ăn gì, đi học có mệt không. Hôm kia nữa, tôi nhìn thấy khuôn mặt rõ khó chịu của một anh tre trẻ khác khi mẹ nói chuyện hơi lâu trong điện thoại.
Tôi tin chắc rằng, Gấu khi lớn lên, gia tài con tự hào nhất là tình yêu thương và sự hi sinh của mẹ. Nhưng Gấu thiệt thòi hơn cả khi không được mẹ ôm, mẹ hát ru, vỗ về hay cả khi trách mắng. Nguyễn Thị Thanh Hằng, cô gái xinh đẹp, giỏi giang tôi từng gặp, nếu có thể cất lời trước lúc em đi xa mãi mãi, em sẽ nói với bố những gì yêu thương nhất, cảm ơn bố vì những khổ đau, vất vả bố phải gánh chịu cho cô sự sống đến phút giây này.
Hôm nay, bạn đã gọi điện cho bố, mẹ chưa?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.