Cải cách giáo dục, hành trình từ chữ 'i' đến chữ 'y'

23/01/2017 08:05 GMT+7

Về mặt ngôn ngữ, có thể hình dung thế này: Từ lúc ra đời cho đến nay, i và y là 2 chữ cái có cách dùng thiếu nhất quán nhất.

Trên các loại sách báo, việc sử dụng hai chữ này khá tuỳ hứng, như: thư ký công ti, đố kỵ, sỹ phu…Để đưa chữ i vào khuôn khổ thống nhất, Bộ Giáo dục, năm 1980, đã ban hành quy định, như sau: “Riêng trường hợp các âm tiết có nguyên âm i ở cuối thì viết thống nhất bằng i, trừ uy, như duy, tuy, quy,...; thí dụ: kì dị, lí trí, mĩ vị. Chú ý: i hoặc y đứng một mình hoặc đứng đầu âm tiết vẫn viết theo thói quen cũ, thí dụ: ý nghĩa, y tế, ỉ eo, im, yêu”… Bốn năm sau, Bộ Giáo dục lại ban hành Quyết định 241/QĐ (ngày 5.3.1984) “Quy định về chính tả tiếng Việt và về thuật ngữ tiếng Việt” áp dụng cho sách giáo khoa, báo và văn bản của ngành giáo dục. Quy định này chủ yếu là khẳng định lại văn bản “Một số quy định về chính tả trong sách giáo khoa cải cách giáo dục”. Quyết định số 240/QĐ còn ghi rõ: “Những quy định trước đây trái với quyết định này đều bãi bỏ”. Có nghĩa là kể từ 5.3.1984, Quy định 1980, trong đó có việc nhất thể i, đã không còn giá trị.
Và từ đó đến nay, y và i được dùng hoàn toàn ngẫu hứng, vì vậy chúng ta có: "công ty" bên cạnh "công ti", "nước Mĩ" bên cạnh "nước Mỹ", "nghệ sĩ" bên cạnh "nghệ sỹ", "lí luận" bên cạnh "lí luận", thậm chí bên cạnh "tình yêu" còn có "tình iêu".
Các nhà ngôn ngữ học có chung ý kiến rằng, việc quy định i/y không phải khó đến nỗi không thể làm được, song, cho đến nay, tình hình vẫn không có gì thay đổi, gây nhiều khó khăn trong việc diễn đạt và lĩnh hội nội dung văn bản.
Câu chuyện dài dòng i/y ấy lại phản ánh một cách đầy đủ con đường cái cách giáo dục ở nước ta: phức tạp, rối ren, lởm khởm! Chúng ta đã chứng kiến rất nhiều đợt cải cách giáo dục mà trong đó, thầy cô và học sinh chạy theo bở hơi tai, xã hội cũng nhiều phen khốn đốn... Người khẳng định, “đổi mới giáo dục là trận đánh lớn”, người nói rằng, “mục tiêu của đổi mới là con người”… Rất nhiều biện pháp cụ thể được liên tiếp được đưa ra, từ tự luận, qua trắc nghiệm, từ thi 4 môn sang 6 môn rồi lên 8 môn, từ hai kỳ thi chuyển thành một kỳ thi chung rồi lại thi riêng, từ công khai đề và đáp án sau khi thi chuyển sang không công khai để giữ bí mật cho năm sau, từ xây dựng trường chuyên lớp chọn đến bỏ mô hình mũi nhọn để tạo bình đẳng trong giáo dục, từ cấm dạy thêm học thêm đến dạy thêm học thêm có phép…
Hiệu quả đến đâu, không cần đến sự phân tích của các chuyên gia, mỗi người dân bình thường nhất cũng có thể nhìn thấy được. Bao nhiêu năm đổi mới, bao nhiêu dự án trăm tỉ nghìn tỉ triển khai, cuối cùng, vẫn tình trạng thừa thầy thiếu thợ; đào tạo con người rồi không sử dụng được vì kỹ năng không thành thạo; du học nước ngoài trở thành con đường lựa chọn đối với con cái những gia đình có điều kiện; hệ thống bằng cấp trong nước vẫn không được các nền giáo dục tiên tiến công nhận... Tóm lại, giáo dục vẫn ì ạch, nếu như không muốn nói là thụt lùi nghiêm trọng so với các nước trong khu vực.
Câu chuyện phân biệt i/y vẫn chưa có hồi kết, cũng như công cuộc cải cách giáo dục của nước nhà, còn đầy bề bộn, cam go…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.