Ám ảnh thi

04/07/2018 05:06 GMT+7

Điểm chuẩn công bố sáng khác, chiều khác, hôm sau lại khác. Trường thông báo nhận hồ sơ trước sau bất nhất.

Muốn biết điểm chuẩn, gọi điện thoại đến trường để nghe thông báo. Phụ huynh phải xếp hàng trong đêm để nộp hồ sơ vào lớp 10 cho con…
Những biểu hiện này nếu thay các khái niệm trường, lớp, điểm chuẩn… thì không khác gì việc mua bán, đổi chác, chụp giật kiểu chợ trời.
Nhưng đó là những gì đang xảy ra trong môi trường giáo dục, nơi lẽ ra sự nghiêm minh, chuẩn mực, đạo đức phải là hàng đầu.
Với những phụ huynh có con dự thi lớp 10 năm nay ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, những lo lắng, áp lực, thậm chí là khủng hoảng trong thi cử không dễ phai nhòa. Một năm học với con số tăng hơn 20.000 thí sinh, đề thi theo hướng tăng cường câu hỏi thực tiễn… trở thành một nỗi ám ảnh ngay cả trong những sinh hoạt hằng ngày của gia đình, len lỏi vào bữa ăn, giấc ngủ.
Rồi những giọt nước mắt của thí sinh khi làm bài không như ý. Sau đó là những ngày thấp thỏm chờ đợi kết quả thi. Chưa hết, khoảng thời gian dài không đáng có chờ điểm chuẩn khiến phụ huynh càng thêm lo âu. Những năm gần đây, năm nào cũng có người quen có con thi tuyển sinh lớp 10. Năm nào cũng thấy những lo âu, bấn loạn của các bậc phụ huynh, những đau buồn của nhiều học sinh. Vậy cũng chưa đủ. Việc không công khai rõ ràng phổ điểm thi của thí sinh ở Hà Nội cùng với việc các trường ngoài công lập tuyển sinh kiểu chụp giật khiến phụ huynh, học sinh càng rơi vào vòng xoáy hoảng loạn.
Nghĩ lại, chỉ mỗi chuyện được đến trường, đi học mà sao lắm nhọc nhằn, gian truân và đôi khi phẫn uất đến trào cả nước mắt như vậy!
Kỳ thi THPT quốc gia vừa kết thúc mới đây cũng đã để lại nhiều trăn trở cho thí sinh lẫn giáo viên với những quan điểm khác nhau về đề thi và mục đích kỳ thi.
Khi việc học tập trong nhà trường vẫn còn nặng nề về kiến thức hàn lâm, chưa có nhiều đổi mới, sáng tạo theo hướng học sinh được thể hiện năng lực của từng cá nhân mà thi cử lại quá nhiều áp lực, khủng hoảng, không ngạc nhiên ngày càng nhiều phụ huynh tìm cách cho con du học từ rất sớm. Còn khi chưa có điều kiện, họ cũng tìm cách để con tiếp cận với môi trường giáo dục có yếu tố quốc tế ngay trong nước. Mong muốn của phần lớn những phụ huynh này là cho con mình có một môi trường học tập đúng nghĩa để thể hiện năng lực, giá trị của từng cá nhân chứ không chăm chăm vào chuyện điểm số, áp lực thi cử…
Thế giới đang có rất nhiều thay đổi khi công nghệ tấn công mạnh mẽ vào cuộc sống của con người. Giáo dục ở nhiều nước đã không còn đặt nặng học cái gì mà học như thế nào, giáo dục đã hướng đến từng cá thể và cũng không còn quan tâm lắm đến hình thức thi cử nữa thì chúng ta vẫn loay hoay với câu chuyện thi cử, chụp giật xét tuyển để cùng làm khổ nhau.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.