Án oan và trách nhiệm

05/06/2015 05:37 GMT+7

Hôm nay, Quốc hội sẽ dành trọn ngày để thảo luận về báo cáo giám sát tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong tố tụng hình sự.

Hôm nay, Quốc hội sẽ dành trọn ngày để thảo luận về báo cáo giám sát tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong tố tụng hình sự.

Dự kiến đây sẽ là một phiên họp “nóng”, bởi lẽ theo báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong 3 năm vừa qua, cả nước có 71 trường hợp bị hàm oan, trong đó có 27 trường hợp oan sai thuộc trách nhiệm của Viện Kiểm sát. Nói như Chủ nhiệm Ủy ban An ninh - Quốc phòng của Quốc hội (QH) Nguyễn Kim Khoa “án oan tuy ít nhưng rất nghiêm trọng”. Và nó cũng sẽ “nóng” bởi một lý do khác: cho đến nay việc xử lý trách nhiệm cá nhân liên quan cũng như trách nhiệm bồi thường trong những vụ án oan sai chưa được quy định rõ ràng.
Hiện tượng kêu oan cho phạm nhân có dấu hiệu gia tăng trong thời gian gần đây khiến chúng ta phải đặt câu hỏi: Liệu có gì trục trặc trong cơ chế xử lý tội phạm đang vận hành khiến tính chính xác của quyết định buộc tội một con người bị nghi ngờ? Nghi vấn bức cung, nhục hình râm ran lâu nay, có mối liên hệ nào với các tiếng kêu oan của bị can, bị cáo? Đây là câu hỏi cần QH làm rõ và trả lời cho cử tri.
Điểm chung của các vụ án oan gần đây chính là có dấu hiệu ép cung, chứng cứ buộc tội yếu, có sai sót về nghiệp vụ điều tra, các cáo buộc hết sức khiên cưỡng. Để ngăn ngừa sự quy kết oan ức có thể gây thiệt hại khôn lường, bộ luật Tố tụng hình sự đang được sửa đổi theo hướng thừa nhận nguyên tắc suy đoán vô tội. Theo đó, phải tuyên một người vô tội khi chưa chứng minh được họ phạm tội theo đúng trình tự, thủ tục mà tố tụng hình sự quy định; và “quyền giữ im lặng” phải được thực thi.
Tuy nhiên, các phiên thảo luận tại QH những ngày qua cho thấy vẫn còn quá nhiều rào cản (ngay trong tư duy) từ phía các cơ quan tố tụng để nguyên tắc này trở thành kim chỉ nam trong quá trình tố tụng, đặc biệt là điều tra.
Việc dành thời gian giám sát, thảo luận về tình hình oan sai cho thấy QH coi trọng vấn đề này. Nhưng thông điệp mà cử tri nhận được sau các phiên thảo luận báo cáo giám sát nói chung, thường chỉ dừng lại ở mức "chúng tôi hiểu vấn đề". Trong khi cái mà chúng ta cần là thái độ "chúng tôi giải quyết vấn đề" từ QH. Việc đầu tiên nên làm ngay là yêu cầu các cơ quan tố tụng về các biện pháp chấm dứt những vụ cáo buộc nhầm người; đã sai thì phải dũng cảm thừa nhận, nhanh chóng bồi thường một phần thiệt hại vật chất cho người hàm oan.
QH cũng cần yêu cầu các cơ quan tố tụng báo cáo đầy đủ về việc xử lý trách nhiệm những cá nhân, tổ chức gây ra oan sai. Bởi lẽ, án oan chẳng qua là vấn đề con người, trách nhiệm của người thực thi pháp luật.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.