Bãi bỏ nghịch lý

Dường như ai cũng reo lên nỗi mừng vui khi đón tin Chính phủ bãi bỏ sử dụng hộ khẩu và chứng minh nhân dân.

Chắc trong ký ức của nhiều người, hàng loạt dữ kiện lũ lượt kéo về, như đếm lại những phiền toái đến trớ trêu về thủ tục hành chính mà người dân từng nếm trải.
Nào là chuyện nhà nọ phải làm bộ đem con mình cho nhà khác làm con nuôi để nhập khẩu thành phố cho con. Nào là chuyện nhà kia ở một nơi nhưng “cấy” hộ khẩu một nẻo để con đi học trường đúng tuyến. Rồi là chuyện chạy chọt tạm trú KT3 để yên thân kiếm công ăn chuyện làm nơi thành phố. Nữa là chuyện tình yêu, hôn nhân có thời còn lấy hộ khẩu làm tiêu chí lựa chọn hàng đầu.
Hai thứ giấy tờ ấy có mặt trong danh sách đòi hỏi xuất trình của hầu hết các thủ tục hành chính, từ mua bán kinh doanh, khai sinh khai tử đến mua đất xây nhà. Mà có phải xuất trình một lần, một nơi đâu. Trình đi trình lại, phòng này đòi sở kia hỏi. Dân cứ thế mà photo, mà sao y để nộp. Chính quyền cấp những giấy tờ ấy cho dân, rồi khi dân đến trình với chính quyền thì lại chẳng tin, bắt phải photo nộp lại, đã vậy còn buộc sao y. Mà ai sao y cơ chứ, hóa ra lại cũng là chính quyền. Dân cực quá, photo sao y sẵn để dùng dần, vài bữa sau hóa ra công cốc vì quy định quá thời hạn sao y. Thế là lại photo lại sao y, bỏ công ăn chuyện làm mà đi chầu chực giấy tờ.
Thôi chẳng kể thêm những nghịch lý ấy làm gì, khi mà Chính phủ đã tuyên bố bãi bỏ hộ khẩu. Lệnh bãi bỏ đánh dấu một tiến bộ quan trọng trong tư duy và năng lực quản lý xã hội của chính quyền. Nhưng cũng nên nhìn lại cho thấu đáo, cái lý do mà hai thứ giấy tờ vừa bãi bỏ ấy đã tác động sâu sắc đến thế với đời sống người dân.
Nhìn lại để học một bài học nghiêm túc về quản trị xã hội, để tiếp tục can đảm xóa bỏ những nghịch lý tương tự còn tồn đọng trong nền hành chính đất nước.
Cái lý do bề mặt dễ thấy, là chúng ta không xây dựng được cơ sở dữ liệu công dân nên các cơ quan chính quyền khi giải quyết thủ tục chẳng biết tra cứu vào đâu, nên cứ đòi mấy tờ giấy photo sao y cho chắc. Sự chậm trễ xây dựng cơ sở dữ liệu công dân trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển là điều lẽ ra phải được chất vấn nghiêm túc về trách nhiệm với dân. Nhưng chúng ta cũng chưa bao giờ có một chất vấn nào như thế.
Còn cái lý do gốc, tiềm ẩn sâu xa trong tư duy quản lý của bộ máy hành chính, không thể không nói đến, là sự bảo thủ và ích kỷ cục bộ ở một nhánh nào đó trong bộ máy chính quyền. Một ngành không chịu thay đổi, nhưng cả xã hội phải trả giá bằng sự lãng phí và bằng nhiều năm tháng chờ đợi.
Hôm nay chúng ta có được tiến bộ này, dẫu đã chờ đợi lâu, cũng là đáng giá. Chỉ mong Chính phủ can đảm dẹp luôn không ít nghịch lý còn đang chễm chệ trong xã hội mình, mà trước hết là “tiệt nọc” đừng để nảy nòi những quy định mới nhằm tiếp tục giữ những thủ tục, quy định vốn “neo” theo hộ khẩu lâu nay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.