Báo cáo khách quan

19/06/2019 05:00 GMT+7

Liên quan vụ nhóm xăm trổ bao vây xe chở các cảnh sát ở Đồng Nai gây tắc nghẽn giao thông hôm 12.6, có nhiều vấn đề phải suy nghĩ.

Đó là “may mà” trong số những người trên xe có các sĩ quan cảnh sát. Và “lỡ mà” trên xe không có người nào là cảnh sát thì sao?
Nói “may mà”, là để thấy rằng sự táo tợn, hung hãn, ngang nhiên lộng hành của nhóm người xăm trổ vây xe đã đến mức đáng báo động. Nếu không có người của lực lượng công an đến hỗ trợ kịp thời thì chẳng biết hậu quả của vụ “va chạm” trong quán theo báo cáo của Công an Đồng Nai sẽ là gì. Và những “Giang 36”, “Tuấn nhóc”... với hình ảnh hiện trường ghi lại được cứ như thể không biết sợ ai.
Còn nói “lỡ mà”, là để thấy người dân lo lắng, bức xúc về tình hình an ninh trật tự qua chuyện này là rất có cơ sở. Người trên xe là cảnh sát mà còn bị vây như thế, thì người dân thường biết làm sao để bảo vệ mình trong trường hợp này?
Các lệnh bắt khẩn cấp đã được ban hành để đưa những kẻ lộng hành phải đối mặt với trình tự pháp luật. Hành vi bất chấp luật pháp của những kẻ táo tợn như thế phải bị nghiêm trị nếu chính quyền không muốn tạo ra một minh chứng nhãn tiền về sự yếu kém trong thực thi trách nhiệm bảo vệ an ninh trật tự xã hội.
Nhưng vụ việc cũng không nên dễ dàng bỏ qua những tình tiết trực tiếp liên quan đến những người can dự. Người dân không khỏi băn khoăn khi theo dõi tình tiết vụ việc này với nhiều câu hỏi cần được làm rõ. Đó là những câu hỏi liên quan trực tiếp đến nhóm cảnh sát. Báo cáo vụ việc của Công an Đồng Nai dường như đã bỏ qua những thủ tục cần thiết để xác nhận tất cả các khía cạnh liên quan. Như là, có hay không chuyện các cảnh sát này ăn nhậu trong giờ hành chính? Nếu có nhậu trong giờ hành chính nhưng có phải là ca trực của các cảnh sát liên quan không? Như là, có hay không chuyện cảnh sát định lấy súng ra hù dọa, và nếu có thì hành vi phản ứng kiểu này có phù hợp về pháp lý hay không? Như là, có thực hiện đo nồng độ cồn của người lái xe trong trường hợp này hay không, dù vụ việc không liên quan trực tiếp đến một vụ tai nạn giao thông?...
Báo cáo vụ việc hiện trường là một nghiệp vụ đòi hỏi tính khách quan rất cao để thu thập đầy đủ và kịp thời những thông tin cần thiết, có ích để có thể tiến hành nhiều bước xử lý tiếp theo với tất cả các bên liên quan. Và báo cáo cũng phải được hiểu là một hành xử chuyên nghiệp để được tin tưởng ngay cả khi phải đối mặt với những vụ việc. Vì vậy, dù trong cảnh huống nào thì cũng phải được thực hiện một cách khách quan.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.