Biến cơ hội thành hiện thực

15/05/2020 04:23 GMT+7

Việt Nam đang đứng trước cơ hội trở thành cứ điểm sản xuất của thế giới khi Mỹ tính chuyện dịch chuyển nhà máy ra khỏi Trung Quốc để tránh rủi ro.

Tuy nhiên, chớp được cơ hội để chen chân vào chuỗi cung ứng toàn cầu hay không, phụ thuộc hoàn toàn vào chính chúng ta.
Đầu tiên phải khẳng định, đây là cơ hội lớn và hiếm. Chúng ta đều biết, chuỗi cung ứng toàn cầu hiện tại đã được thiết lập nhiều thập kỷ nay. Để một “tân binh” chen chân vào là vô cùng khó. Thế nhưng đại dịch Covid-19 đã cho thấy sự rủi ro khi lệ thuộc vào một thị trường là Trung Quốc và vì thế, Mỹ đang nỗ lực xem xét việc thiết lập một “Mạng lưới thịnh vượng kinh tế” gồm các đối tác đáng tin cậy như Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, VN và New Zealand để hoạt động trên các tiêu chuẩn giống nhau từ kinh doanh, cơ sở hạ tầng, nghiên cứu, giáo dục... Được “nhắc đến” là cơ hội vàng của VN. Tuy nhiên như nói trên, cùng với VN là một số nước khác và họ chắc chắn cũng đang chạy đua trong việc thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) được dự báo rời bỏ Trung Quốc sau dịch Covid-19. Thế nên để được chọn, VN phải cạnh tranh quyết liệt không chỉ bằng các chính sách ưu đãi mà còn về tính sẵn sàng của hạ tầng, thủ tục, chi phí đầu tư, trình độ lao động... Để khi các doanh nghiệp Mỹ đưa lên bàn cân so sánh, họ sẽ nhận thấy lợi thế và chọn chúng ta. Chiếu theo logic đó, muốn đón được “đại bàng” thì cứ soi xem hạ tầng (giao thông, điện, nước, đất đai, khu công nghiệp...) của ta với các nước còn lại “ngon” hơn chưa, đồng bộ hơn không. Nếu chưa thì phải đầu tư cho tới. Tương tự, trình độ lao động của ta thế nào, chi phí thấp hay cao hơn, độ thông thoáng minh bạch của thủ tục; tính cởi mở, chia sẻ của chính quyền... so với người ta ra sao? Cứ xét cụ thể từng tiêu chí để đầu tư, cải thiện thì mới có thể cạnh tranh và được lựa chọn.
Vốn từ Mỹ, không đơn giản chỉ là tiền mà ở giai đoạn này sẽ góp phần hết sức quan trọng trong định hướng phát triển của VN trong thời gian tới. Chúng ta đều biết, vốn FDI đóng góp rất lớn trong phát triển kinh tế của VN mấy chục năm qua. Tuy nhiên, mục tiêu quan trọng nhất chúng ta chưa đạt được là chuyển giao công nghệ... Hãy nỗ lực để hoàn thành ở cơ hội lần này vì các doanh nghiệp Mỹ có công nghệ, có quản trị và họ cũng là những đối tác sẵn sàng chia sẻ kiến thức...
Còn nhớ, khi Tập đoàn Vingroup công bố đầu tư vào lĩnh vực xe hơi, hầu hết các ý kiến đều cho rằng đó là ý tưởng điên rồ bởi ngành công nghiệp ô tô thế giới đã có những đế chế, những tên tuổi lừng lẫy cả trăm năm, trong khi VN vẫn đang ở vạch xuất phát. Thế nhưng Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng khi đó lý giải, cuộc cách mạng ô tô điện đã “vẽ” lại bản đồ ngành công nghiệp xe hơi. Mà “vẽ lại” thì tất cả đều như nhau, thậm chí “người vào sau” còn có một số lợi thế về bộ máy so với “người cũ”... Thực tế sau tuyên bố đó khoảng 1 năm, chiếc xe hơi Việt đã có mặt trên thị trường và đến nay, VinFast đã dần trở nên quen thuộc với người dân VN.
Chuỗi cung ứng toàn cầu cũng đang được Mỹ “vẽ” lại và chúng ta cần toàn tâm, toàn lực để biến cơ hội hiếm hoi, quý giá này thành hiện thực.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.