Bình thường thành bất thường

18/12/2013 01:48 GMT+7

Nếu có đề văn tả bữa cơm gia đình, tôi tin sẽ có khoảng phân nửa học sinh hiện nay (theo số thống kê ngẫu nhiên của phóng viên Thanh Niên ở một số lớp tại TP.HCM, gần phân nửa học sinh cho biết không thường xuyên ăn cơm với gia đình) phải sử dụng văn mẫu hoặc không biết viết gì.

>> Nhiều học sinh không có bữa cơm gia đình

Đơn giản vì bữa ăn chung giữa các thành viên, một điều hết sức bình thường trong sinh hoạt của một gia đình, đã trở thành điều hết sức xa xỉ và… bất thường.

Nguyên nhân quan trọng, theo phân tích từ nhiều đối tượng khác nhau, là do học sinh phải dành quá nhiều thời gian cho những lớp học thêm, lớp chính khóa, ngoại khóa, năng khiếu, kỹ năng. Nhiều học sinh cả 3 bữa ăn đều “cơm hàng cháo chợ”. Không ít phụ huynh phải mang thức ăn đến trường cho con ăn vội để còn đi học thêm. Nhìn cảnh học sinh suốt ngày chạy từ chỗ này sang chỗ khác học, tối mịt mệt mỏi về đến nhà để… học tiếp mà không khỏi chạnh lòng. Thế nhưng, phần lớn phụ huynh đều chấp nhận điều này và cho rằng nếu không học thêm thì làm sao qua được các kỳ thi, đặc biệt là các kỳ thi tuyển mang tính đánh đố!

Khi chương trình học còn nặng nề, các kỳ kiểm tra đánh giá chỉ chú trọng vào kiến thức, thậm chí càng nhiều bắt bí, đánh đố càng tốt thì học sinh vẫn sẽ mải miết học thêm. Khi nhà trường, xã hội và gia đình vẫn xem điểm số, bằng cấp, sự đỗ đạt… là giá trị hơn nhân cách, nền tảng gia đình, sự cân bằng trong cuộc sống bình thường thì học sinh vẫn sẽ bị đẩy vào vòng xoáy của mỗi một việc học. Bộ GD-ĐT cho rằng đổi mới đánh giá, thi cử là đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo sau năm 2015 thì phải làm sao để học sinh không còn tình cảnh học ngày, học đêm đến mức không thể cùng gia đình có một bữa cơm chung; để học sinh có cuộc sống cân bằng và bình thường thì đó mới là sự đổi mới triệt để.

Vấn đề đáng buồn là trong giáo dục hiện nay tồn tại quá nhiều những điều bình thường nhưng trở thành bất thường.

Bình thường là lẽ ra phải làm sao cho những người lao động nghèo đều có thể gửi con vào những trường mầm non công lập. Thế nhưng điều này không dễ thực hiện nên họ buộc phải nhắm mắt đưa chân gửi con vào những nhóm trẻ gia đình không phép, không chuyên môn để rồi đau lòng khi thấy con bị hành hạ, ngược đãi. Bình thường là trẻ cần được học, được chơi đúng với lứa tuổi thì cả tuổi thơ chỉ biết vùi đầu vào việc học.

Thiếu những định hướng, tình yêu thương, sự sẻ chia qua những sinh hoạt gia đình như bữa cơm chung; lớn lên trong sự hành hạ, đối xử tàn nhẫn trong các bữa ăn ở nhóm trẻ không phép, những người trẻ này về sau sẽ ứng xử thế nào trong cuộc đời? Chắc chắn không ai muốn thấy lại những thảm cảnh tương tự như vụ tranh bia ở TP.Biên Hòa mà dư luận vẫn còn sửng sốt cho đến hôm nay.

Thùy Ngân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.