Cần thêm giải pháp

27/10/2014 04:45 GMT+7

Những ngày đầu kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 13, trong các phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, ngân sách và một số dự án luật, các đại biểu quốc hội đã đóng góp nhiều ý kiến khá xác đáng về thực trạng tình hình nợ công , nợ xấu, tình hình khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp, những yếu kém trong điều hành một số lĩnh vực…

Nhưng quan sát chung có thể thấy, chưa có nhiều giải pháp thuyết phục, đáng chú ý được đưa ra.

Ở một số vấn đề như tình hình sản xuất, kinh doanh khó khăn, cũng có một số ý kiến góp ý hay như việc đề nghị Chính phủ mở rộng thị trường, tìm đầu ra cho sản xuất vì hiện nay, các giải pháp miễn giảm thuế, giảm lãi suất… cũng chưa đem lại nhiều kết quả. Hay những đề nghị Chính phủ siết chặt quản lý đầu tư công, kiểm soát chặt chẽ các khoản chi thường xuyên... để giảm nợ công, cũng là những kiến nghị đúng đắn.

Tuy nhiên, những đề xuất như vậy chưa nhiều và chủ yếu vẫn là những ý kiến phân tích, phê phán và tuy có những kiến nghị, giải pháp nhưng phần nhiều là những kiến nghị chung chung hoặc giải pháp đã cũ.

Không phải chờ đến kỳ họp QH lần này, cử tri mới biết hiện nay nợ công rất cao, nợ xấu ở các ngân hàng lớn, doanh nghiệp làm ăn khó khăn... Thậm chí, có rất nhiều vấn đề đã kéo dài hàng năm, nhiều nhiệm kỳ QH như vấn đề chống tham nhũng, tình trạng ô nhiễm môi trường…nhưng ở kỳ họp này cũng vậy, không thấy có ĐB nào đề nghị những giải pháp mới, thuyết phục để Chính phủ xem xét, tiếp thu. Mà đây cũng là một trách nhiệm quan trọng của người đại diện cử tri. Nếu chỉ phân tích tình hình, phê phán là chưa đủ, mà điều quý hơn là cần đưa ra giải pháp, kiến nghị để Chính phủ, các bộ tiếp thu, triển khai thực hiện, giải quyết những vấn đề còn yếu kém.

“Chúng ta có quá nhiều nhà tư tưởng và ít nhà kỹ thuật”, một quan chức trong cơ quan Chính phủ nhận xét, khi được hỏi đánh giá của ông về chất lượng thảo luận kinh tế - xã hội tại kỳ họp QH những ngày qua. Thực tế đúng là như vậy. Trong 500 ĐB, cũng có một số chuyên gia kinh tế, giáo dục, môi trường... và mỗi lần họ đứng lên phát biểu, góp ý kiến thì những góp ý, đề xuất rất có chất lượng, khiến lãnh đạo Chính phủ lắng nghe và tiếp thu. Nhưng, nhiều cử tri cho rằng, những ĐB có trình độ chuyên môn cao như vậy chưa nhiều.

Tất nhiên, cũng khó thể đòi hỏi tất cả 500 ĐBQH đều là các chuyên gia giỏi, nhất là giỏi về nhiều lĩnh vực. Nhưng ĐB có thể tìm hiểu, lắng nghe, tham vấn ý kiến các chuyên gia bên ngoài cho những vấn đề họ quan tâm góp ý để hiểu rõ hơn vấn đề, đưa ra những bình luận, góp ý sâu sắc hơn. Đây là cách thức mà ĐBQH, nghị sĩ ở rất nhiều nước thực hiện và QH, nghị viện ở nhiều nước có cơ chế để các ĐBQH, nghị sĩ tham vấn ý kiến các chuyên gia giỏi, thậm chí họ thuê, mời các chuyên gia ngành đến họp tại QH, các tiểu ban để góp ý, chia sẻ kinh nghiệm.

Mạnh Quân

>> Cục nợ công
>> Nợ công có thể đã chạm mức giới hạn
>> Nợ xấu cản trở kinh tế phục hồi
>> Kiến nghị ban hành luật về nợ xấu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.