Chạy theo mối họa

28/05/2019 04:58 GMT+7

Tôm càng đỏ , một trong 100 loài thủy sinh nguy hiểm nhất thế giới , được mô tả là có sức phá vỡ hệ sinh thái ở mức khủng khiếp, đã có mặt tại VN.

Sự hiện diện của sinh vật ngoại lai này đã mang theo mầm họa lớn đối với đa dạng sinh học, môi trường sinh thái, ngành nuôi trồng thủy sản... nước ta. Đáng buồn, một lần nữa những người gác cổng trong lĩnh vực ngăn chặn sinh vật ngoại lai xâm nhập và gây hại, lại bị giật mình.
Chỉ khi tôm càng đỏ bày bán ngoài chợ, rao bán tràn ngập trên mạng, có tên trong thực đơn của các nhà hàng... thì các ngành chức năng mới xắn tay áo vào cuộc, với công văn hỏa tốc của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, với một loạt vụ kiểm tra và thu giữ các lô hàng tôm càng đỏ nhập lậu...
Sự bị động và chậm chạp trong công tác quản lý sinh vật ngoại lai gây hại đã từng gây ra rất nhiều hậu quả tai hại. Nạn rùa tai đỏ, ốc bươu vàng, cây mai dương, chuột hamster... là những ví dụ “sinh động” và trực quan nhất. Trong đó, với chuột hamster, chỉ khi phong trào nuôi loài gặm nhấm này rộ lên ở các đô thị, cơ quan chuyên trách là Cục Thú y mới lên tiếng, mới vào cuộc. Còn với nạn ốc bươu vàng, nhiều diện tích mùa màng đã bị phá hoại, suốt bao năm qua, chúng ta đổ bao công sức và tiền bạc để tiêu diệt, nhưng đến nay, chúng vẫn còn nhởn nhơ ở nhiều cánh đồng trên cả nước.
Sau các bài học đau đớn mang tên ốc bươu vàng, cây mai dương..., chúng ta từng bước xây dựng hệ thống kiểm soát sinh vật ngoại lai, với việc bổ sung nhiều quy định pháp lý mà cao nhất là luật Đa dạng sinh học, xây dựng và thực hiện đề án ngăn ngừa và kiểm soát các sinh vật ngoại lai xâm lấn ở VN đến năm 2020, phân rõ trách nhiệm gác cổng của các bộ, ngành, ủy ban nhân dân các tỉnh...
Tuy nhiên, câu chuyện tôm càng đỏ cho thấy, việc thực thi đang có vấn đề, nếu không muốn nói là còn yếu, nhất là trong khâu phòng ngừa.
Nhiệm vụ của các cơ quan, lực lượng hữu trách là xây dựng hệ thống cảnh báo đủ mạnh, chủ động hành động để kiểm soát và giải quyết dứt điểm các mối nguy về sinh vật ngoại lai gây hại xâm nhập, trong đó có tuyên truyền để người dân nói không với việc nuôi, kinh doanh, tiêu thụ sinh vật ngoại lai. Tuy nhiên, câu chuyện tôm càng đỏ xâm nhập cũng cho thấy, việc này chưa được làm đến nơi đến chốn. Bên cạnh đó, người dân vì không được cảnh báo, hoặc biết nhưng vì mối lợi vẫn “nhắm mắt” đưa loài thủy sinh đặc biệt nguy hại này vào trong nước.
Để sinh vật ngoại lai xâm nhập là rước họa vào đất nước. Chúng ta không thể và không được giật mình chạy theo sự vụ, chạy theo mối họa như thời gian qua. Xử lý các mối nguy về sinh vật ngoại lai nguy hại một cách rốt ráo, liên tục và triệt để đang là yêu cầu bức thiết của thực tiễn. Giải pháp đã được đưa ra từ nhiều năm nay, giờ có thực hiện được không?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.