Chờ... giải quyết?

Đi vào hoạt động từ đầu tháng 8, từ đó đến nay trạm thu phí Cai Lậy (Tiền Giang) đã khiến người lưu thông qua lẫn dư luận hết sức bức xúc.

Đỉnh điểm là trong tuần qua, đồng loạt các lái xe lưu thông qua trạm đã dùng tiền lẻ mệnh giá 200, 500 đồng để mua vé cố tình làm cho các nhân viên không thể xử lý kịp. Đoàn xe ùn tắc nghiêm trọng khiến trạm thu phí phải "xả cửa" nhiều lần nhưng vẫn chưa thể vãn hồi tình hình, vì gốc gác của vấn đề chưa được giải quyết.
Lái xe bức xúc do 2 nguyên nhân: trạm thu phí đặt không đúng chỗ và thu phí quá cao. Người viết bài này không ủng hộ cách phản ứng của các lái xe vì cản trở giao thông và khiến cho tình hình căng thẳng, nhưng có thể chia sẻ với họ. Họ là những người bị áp lực cơm áo hằng ngày, có lẽ tạm thời chưa tìm được hình thức phản ứng nào hiệu quả hơn nên mới nghĩ ra cái cách chẳng đặng đừng ấy thôi! Mà nếu không phản ứng thì chuyện vô lý cứ nghiễm nhiên tồn tại.
Cũng không thể nói như một vị lãnh đạo, rằng đây là “dịch vụ”, ai không muốn sử dụng “dịch vụ” đó thì thôi. Trời đất quỷ thần ơi, người ta đâu có thăng thiên hay độn thổ được để đi qua con đường độc đạo này?
Báo chí đã nói nhiều đến cái trạm thu phí tai tiếng này bắt đầu từ dự án xây dựng tuyến tránh, sau đó “bỗng dưng” bổ sung “tăng cường mặt đường QL1”. Tôi cho rằng, đây là bước chuẩn bị cho việc thu phí ở điểm đặt trạm thu phí hiện nay để thu tiền của cả xe không đi qua đường tránh, chứ không phải lý giải vì “khu vực dự kiến xây dựng trạm thu phí (ban đầu) gặp khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng”.
Câu chuyện đặt cái trạm thu phí này ai cũng biết, không chỉ Công ty TNHH đầu tư QL1 Tiền Giang (liên danh đầu tư, quản lý và khai thác dự án) muốn là được, mà phải có sự đồng ý của Sở GTVT Tiền Giang, UBND địa phương và cấp thẩm quyền ở bộ chủ quản. Nói chung là liên đới đến rất nhiều con người có chức vụ và trách nhiệm.
Ai quyết định, vì sao có quyết định bất hợp lý như vậy là vấn đề cần được làm rõ chứ không nên chỉ nhắm vào nhà đầu tư mà mổ xẻ vấn đề. Vì đây không phải là vấn đề đơn lẻ mà đã từng xảy ra ở nhiều nơi (Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình...), gây nên hiệu ứng rất không tốt về hình ảnh của đất nước, cụ thể hơn là về phương thức quản lý nhà nước.
Điều đáng nói là sau một thời gian “Trạm Cai Lậy thất thủ”, dư luận cả nước bức xúc, mãi đến ngày 14.8, ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ (Bộ GTVT), mới có buổi làm việc với Sở GTVT Tiền Giang và cho biết “sẽ xem xét lại toàn bộ những vấn đề mà dư luận đặt ra”. “Chúng tôi tin rằng những bức xúc sẽ không còn nữa. Chúng tôi đang chờ kiến nghị của tỉnh để giải quyết sớm, có thể là trong tháng 9”, ông Thắng nói.
“Trong tháng 9”, cứ cho nhanh nhất là ngày 1.9 đi, thì từ đây đến đó còn nửa tháng nữa, không biết cánh lái xe sẽ còn làm gì và hằng ngày các nhân viên ở cái trạm tai tiếng này còn phải chịu áp lực đến đâu? Kéo dài sự bức xúc của dư luận cũng là một cách xem thường dư luận, khi bắt đầu đã có những nghi ngờ về lợi ích nhóm trong câu chuyện BOT và thu phí.
Việc đã rõ như ban ngày thì cần gì nhiều thời gian để quyết đến như thế? Nó chỉ diễn ra trong một buổi họp là cùng. Nên nếu đúng thì cuộc họp dự kiến diễn ra trong hôm nay sẽ phải có kết quả cuối cùng.
Hãy đặt mình vào vị trí người dân hằng ngày đi qua trạm để chia sẻ cùng họ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.