Chuyện bún bò

Huế vốn đã sẵn trứ danh với ẩm thực. Ẩm thực Huế không phải chỉ có mỗi món bún bò, mà là một nguồn tài nguyên phong phú với nhiều món ăn đầy cá tính như cơm hến, bánh bèo, bánh nậm, bánh khoái, chè hạt sen...

Một xác nhận chính thức cho các giá trị ẩm thực này của Huế dưới hình thức dán nhãn hiệu là một chí hướng đáng khích lệ của chính quyền địa phương.
Nhưng khi lên chí hướng xây dựng và phát triển một nhãn hiệu tập thể về ẩm thực Huế, có lẽ chính những người khởi xướng đã quên mất cái “tập thể” món ăn đa dạng của ẩm thực Huế, mà chỉ làm nhãn hiệu cho mỗi món bún bò Huế. Thay vì đăng ký nhãn hiệu cho một tính cách văn hóa ẩm thực, họ lại chỉ làm việc đó cho mỗi món bún bò. Mà, bún bò Huế từ lâu đã trở thành tên gọi thông thường, mất khả năng chỉ dẫn nguồn gốc địa lý, và theo lẽ đó, có chăng chỉ là chuyện cái logo “Bún bò Huế” như cuối cùng những người có liên quan thừa nhận.
Chữ “Huế” trong tên nhãn hiệu “bún bò Huế” thật ra không có tư cách của một chỉ dẫn địa lý. Đơn giản thôi, là vì không hề có yếu tố “xuất xứ địa lý” trong món bún bò Huế. Cái chữ “Huế” trong tên gọi món ăn này thật ra là ám chỉ một cách biểu trưng cho tính cách của nền ẩm thực Huế trong cảm nhận chung của thực khách. Món bún bò Huế dù có được chế biến ở đâu, với nguyên liệu từ vùng nào đi chăng nữa, thì miễn là nó có đúng cái cốt cách ẩm thực như vẫn được kỳ vọng trong ký ức văn hóa ẩm thực Huế thì sẽ tương xứng với tên gọi.
Chính cái chất Huế, vừa cụ thể trong món bún bò, nhưng lại cũng đủ trừu tượng để hiện hữu trong nhiều món khác, như bánh bèo, bánh nậm, bánh khoái... mới là đáng giá dán nhãn xác nhận giá trị.
Chưa kể, đại diện của chủ thể sở hữu nhãn hiệu tập thể “bún bò Huế” lại còn diễn giải sai lệch các ràng buộc pháp lý đối với việc sử dụng nhãn hiệu này. Chính phát biểu trước đó trên báo chí của vị Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Du lịch Thừa Thiên-Huế (đơn vị được giao soạn thảo quy chế nói trên) đã rành rành ý muốn kiểm soát đối với ba chữ “bún bò Huế”: “Nếu không đảm bảo các tiêu chí đó thì họ có thể sử dụng “Bún Huế”, “Bò Huế” hay “Huế bò” gì đó... chứ không phải là “Bún bò Huế”!”…
Những giải thích sau đó của chính quyền Huế tự dưng gây cảm giác biện bạch trong cảm nhận của công chúng. Giới chức chính quyền có thêm một vài mét nữa trong sợi dây kinh nghiệm về phát ngôn của chính quyền.
Người dân vẫn luôn mong mỏi và sẵn sàng ủng hộ những chí hướng tốt đẹp của chính quyền với chuyện kinh bang tế thế. Nhưng nếu chỉ có chí hướng không thôi thì chưa đủ. Chí hướng nên đi kèm với sự am hiểu và tính chuyên nghiệp.
Tô bún bò ở quán có hay không có logo Bún bò Huế (thuộc bản quyền của người vẽ ra nó và đi đăng ký sở hữu) suy cho cùng không thực sự quan trọng bằng việc làm sao để tô bún được chế biến bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, chỗ buôn bán văn minh, sạch sẽ... Chuyện mà mỗi người, mỗi gia đình và cả xã hội đang thực sự quan tâm mỗi khi chọn bất cứ món gì.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.