Cơ hội để làm đúng

29/04/2014 02:23 GMT+7

“Trong rủi có may”. Câu nói này phần nào an ủi hàng triệu phụ huynh, học sinh trước việc người đứng đầu ngành giáo dục xin lùi thời gian trình Quốc hội đề án Đổi mới chương trình - sách giáo khoa.

Bởi dù ai cũng thấy rằng chương trình sách giáo khoa hiện hành có nhiều vấn đề, đến lúc cần thay đổi nhưng với một đề án bị xem là quá sơ sài thì nếu không làm lại ắt sẽ tiếp tục đi theo con đường làm sách giáo khoa (SGK) ngược đời như loạt bài Thanh Niên phản ảnh.

Lúc bấy giờ, các thế hệ học sinh kế tiếp sẽ lại nhận hậu quả nghiêm trọng.

Một quy trình viết SGK, với những câu chuyện do chính những người có trách nhiệm kể lại, giúp chúng ta hiểu tại sao SGK luôn có nhiều sai sót, thiếu khoa học, không sư phạm, xa rời thực tế, không có sức hấp dẫn… Mọi thứ sẽ đơn giản, nhẹ nhàng hơn nếu Bộ GD-ĐT biết phần việc nào cần làm, việc nào nên để xã hội cùng gánh vác. Mà việc nào đã làm thì tập trung đến nơi đến chốn, nghiên cứu kỹ lưỡng chứ không chiếu lệ, qua loa.

Từ thực tế, có thể thấy rằng xây dựng một chương trình giáo dục phổ thông với những quan điểm đổi mới, định hướng mục tiêu giáo dục phù hợp với một cuộc sống có nhiều thay đổi… bằng những tiêu chí cụ thể là phần việc quan trọng mà các tổ chức, cá nhân khác không thể làm thay Bộ GD-ĐT.

Để tập trung trí tuệ của nhiều người, có được sự đồng thuận của xã hội, tránh những sai sót không đáng, Bộ GD-ĐT nên trưng cầu ý kiến nhằm cho ra đời một chương trình giáo dục hoàn chỉnh. Đây là việc nên làm. Đối với nhiều nước, lấy ý kiến của người dân về những thay đổi liên quan đến cuộc sống của họ là công việc bình thường. Một chuyên gia kể rằng ở Brisbane (thủ phủ bang Queensland, Úc), khi làm SGK, Bộ Giáo dục bang gửi thông báo đến những người có thể tham gia xây dựng chương trình các môn học. Đó thường là những người có uy tín trong lĩnh vực giáo dục và hiệu trưởng các trường phổ thông. Các chuyên gia sau khi đã được lựa chọn, bắt tay vào biên soạn chương trình học. Chương trình này sẽ được lấy ý kiến từ người học đến phụ huynh, giáo viên và cộng đồng. Sau khi nhận được các ý kiến phản hồi, các chuyên gia xây dựng một chương trình để Bộ phê duyệt.

Khi đã có một chương trình giáo dục phù hợp thì việc còn lại, viết SGK sẽ là phần việc mà xã hội có thể tham gia. Ngay trong đề án đang xem xét lại, Bộ cũng đã có chủ trương khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn SGK. Vậy thì, không cớ gì Bộ phải nhọc công ôm việc viết SGK để nảy sinh một quy trình làm SGK nhiều tai tiếng, ít giá trị như hiện nay.

Đây là khoảng thời gian “vàng” để Bộ sửa sai. Chưa trình Quốc hội trong tháng 5 cũng là cơ hội để Bộ có thêm thời gian làm lại đề án hợp lý hơn sau khi có sự đóng góp ý kiến của xã hội. Vấn đề là Bộ có chịu lắng nghe và chấp nhận những ý kiến đa chiều hay không? Làm thế nào để khi nhận được đề án sửa đổi sắp tới, người dân không phải ngỡ ngàng vì nó không khác bao nhiêu với phiên bản năm 2011 hay bản tháng 4.2014 từng gây phản ứng mạnh mẽ trong dư luận.

Thùy Ngân

>> Làm sách giáo khoa, chuyện như đùa
>> Xin lùi thời hạn trình Quốc hội Đề án đổi mới chương trình - sách giáo khoa
>> Mờ nhạt tình yêu gia đình trong sách giáo khoa 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.