Công bộc và 'biệt phủ'

30/06/2017 06:34 GMT+7

Dư luận đang xôn xao về những “biệt phủ” được cho là của một số cán bộ đầu ngành ở Yên Bái. Những “biệt phủ” nằm sừng sững ngay trục đường lớn, hoặc hoành tráng đến mức ai ngang qua cũng phải trầm trồ.

Cần phải nói ngay rằng, một địa phương mà có nhiều biệt phủ mọc lên là điều đáng mừng, nếu chúng được xây từ nguồn thu nhập chính đáng, minh bạch, từ mồ hôi công sức của chủ nhân biệt phủ. Dân giàu thì nước mạnh, quốc gia hưng thịnh thì có điều gì phải băn khoăn. Nhưng ở đây, Yên Bái là một tỉnh còn nghèo, thu không đủ chi, hằng năm vẫn phải nhận ngân sách T.Ư để đầu tư phát triển, chi trả lương cho bộ máy hành chính…
Theo một thống kê của Bộ LĐ-TB-XH năm 2016, năm 2015 Yên Bái là một trong những tỉnh có số hộ nghèo nhiều nhất nước. Còn theo báo cáo của chính địa phương này, 5 tháng đầu năm 2017 thu ngân sách trên địa bàn ước đạt 789,5 tỉ đồng, trong khi tổng chi ngân sách địa phương ước 2.995 tỉ đồng, nghĩa là số bội chi gấp đến gần 3 lần tổng thu. Vậy nên, một số công bộc đầu ngành - những người có vai trò quan trọng trong điều hành, thực thi chính sách ở địa phương nghèo này lại sống trong “biệt phủ” nguy nga thì quả khó tránh khỏi điều tiếng dư luận.
Còn nhớ vào năm 2014, dư luận và báo chí cũng lên tiếng về việc ông Trần Văn Truyền, nguyên Tổng thanh tra Chính phủ, có nhiều nhà đất, trong đó có biệt thự “khủng” ở một xã nghèo thuộc TP.Bến Tre, với hàng loạt câu hỏi nhức nhối được đặt ra như: lương cán bộ bao nhiêu mà có thể xây biệt thự “khủng” đến vậy? Những tài sản này có được kê khai theo quy định? Của “nổi” chừng đó thì của “chìm” gấp bao nhiêu lần... Ủy ban Kiểm tra T.Ư sau đó vào cuộc, kết luận ông Truyền có một số khuyết điểm, sai phạm trong thực hiện chính sách nhà đất; thiếu trung thực khi báo cáo, kê khai tài sản... dẫn đến tạo dư luận xấu, ảnh hưởng đến uy tín của cá nhân và tổ chức đảng... Ông Truyền sau đó phải nhận hình thức kỷ luật, dù đã nghỉ hưu.
Không chỉ ông Truyền, gần đây, nhiều công bộc ở các địa phương cũng đã bị xử lý khi dư luận, báo chí lên tiếng về “biệt phủ” bất thường. Vì vậy, người dân đang trông chờ các cơ quan chức năng vào cuộc, nhanh chóng đưa ra kết luận về nguồn gốc các “biệt phủ” ở Yên Bái. Nếu những “biệt phủ” được xây bằng mồ hôi, công sức chính đáng, kết luận của các cơ quan chức năng sẽ là bằng chứng minh oan cho các công bộc; ngược lại, cần có những hình thức kỷ luật nghiêm minh để giữ uy tín của chính quyền và tổ chức đảng.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là vì sao ở địa phương nào cũng có cả một hệ thống tổ chức đảng đến chính quyền, MTTQ… từ tỉnh đến quận huyện, phường xã tham gia giám sát và những “biệt phủ” thì sừng sững giữa đàng ai cũng thấy; nhà nước cũng có quy định buộc cán bộ kê khai tài sản cùng rất nhiều quy định khác… nhưng vụ việc lại không được sớm kiểm tra xử lý, để đến khi dư luận xôn xao thì cơ quan chức năng mới vào cuộc? Phải chăng có những dấu hiệu nể nang, bao che hay lợi ích nhóm… ở địa phương? Những câu hỏi này rất cần được trả lời rõ ràng, qua đó có biện pháp chấn chỉnh kịp thời, xử lý nghiêm minh nhằm tránh dư luận không tốt đến cán bộ, chính quyền và tổ chức đảng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.