Công chúng có quyền không ?

Chuyện Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN (VCPMC) kiên định quan điểm thu phí tác quyền trên ti vi trong khách sạn không phải là chuyện gì khuất tất về quyền tác giả, mà khuất tất về quyền của người sử dụng tác phẩm.

Nhạc sĩ Phó Đức Phương, đại điện VCPMC, khẳng định có 4 triệu tác giả nước ngoài và 4.000 tác giả VN đã ủy quyền cho VCPMC.
Ông Phương so sánh số này chiếm hơn 80% nhạc sĩ trên toàn thế giới. VCPMC có sứ mạng “đòi” tiền tác quyền cho chừng ấy nhạc sĩ. Không ủng hộ cho cái sứ mạng cao cả ấy của VCPMC thì quả thật là không đúng. Nhưng công chúng cũng nên có quyền được biết, họ là những ai. Để chí ít, người ta cũng biết mình đang vinh dự trả tiền tác quyền cho những tác giả nào, mình có từng nghe bài hát nào của họ chưa? Hay là mình phải trả tiền vì một con số mang tính xác suất kiểu như ông Phương nói, là tránh sao được chuyện trên ti vi sẽ có phát bài hát trong số 80% tác phẩm mà VCPMC được ủy quyền. Thế là thu thôi.
Vậy là ti vi, biết đâu, rồi sẽ trở thành một cái bẫy pháp lý, không chỉ đối với tác quyền âm nhạc đâu, mà còn có thể với nhiều chuyện khác. Một ngày nào đó, đến lúc các họa sĩ, nhà thơ, nhiếp ảnh gia lên tiếng, đòi thu tiền tác quyền hội họa, thi ca, nhiếp ảnh qua ti vi với cái kiểu lý lẽ ấy thì chắc là khách sạn khó lòng mà chống cự. Một tổ chức nào đó được lập ra đại diện cho giới họa sĩ chẳng hạn tuyên bố chúng tôi được ủy quyền của tất cả họa sĩ trên thế giới, nên trong ti vi thế nào chẳng có sử dụng ít nhất một hình ảnh nào đó có dính líu tác phẩm hội họa của 100% tác giả đã ủy quyền và vì vậy chúng tôi được quyền thu đều thu đủ mỗi ti vi vài chục nghìn tiền tác quyền.
Đặt vấn đề thu tác quyền âm nhạc, sao lại quên mất quyền của người sử dụng tác phẩm? Trong trường hợp này, đó là quyền tắt/mở ti vi, quyền chọn chương trình, quyền chọn bài hát - tức là quyền chủ động lựa chọn tiếp cận và sử dụng tác phẩm. Đó còn là quyền từ chối sử dụng tác phẩm. Bất cứ ai cũng phải được quyền từ chối không dùng, và vì vậy mà không phải trả tiền tác quyền liên quan.
Không lẽ cứ gắn một cái ti vi vào phòng khách sạn, thì tự dưng chủ khách sạn đã đối mặt với nguy cơ phạm luật Sở hữu trí tuệ nếu không đóng tiền cho VCPMC, dù ti vi đó mở hay không? Coi như quyền tắt/mở ti vi của chủ khách sạn bị tước bỏ. Đã gắn ti vi thì bị xem là có mở, có mở tức là có sử dụng ít nhất một trong số 80% tác phẩm âm nhạc của VCPMC, và phải đóng tiền.
Bảo vệ tác quyền là cần thiết, nhưng cũng phải xác định giới hạn để không làm tổn thương đến những quyền tối thiểu của người dùng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.