Đánh đố người oan sai

20/03/2015 04:36 GMT+7

Theo quy định, các khoản tiền người bị oan sai được bồi thường bao gồm: thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất hoặc giảm sút; thiệt hại do tổn thất về tinh thần; thiệt hại về vật chất do tổn hại về sức khỏe; khôi phục danh dự, nhân phẩm… Hầu hết những thiệt hại này bị yêu cầu phải được chứng minh bằng các biên lai, hóa đơn…

Theo quy định, các khoản tiền người bị oan sai được bồi thường bao gồm: thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất hoặc giảm sút; thiệt hại do tổn thất về tinh thần; thiệt hại về vật chất do tổn hại về sức khỏe; khôi phục danh dự, nhân phẩm… Hầu hết những thiệt hại này bị yêu cầu phải được chứng minh bằng các biên lai, hóa đơn…

Tuy nhiên, yêu cầu như thế là vô cùng khó khăn, nếu không muốn nói là đánh đố người bị thiệt hại. Trong trường hợp của ông Nguyễn Thanh Chấn, thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất, thiệt hại do tổn thất tinh thần và sức khỏe là rất rõ ràng. Nhưng nếu xét trên phương diện pháp luật hiện nay thì mức yêu cầu bồi thường 9,3 tỉ của ông Chấn là rất khó chứng minh. Thế nhưng, xét về tính công bằng, hợp lý của yêu cầu đòi bồi thường mà ông Chấn đưa ra thì yêu cầu đó nhận được sự ủng hộ của dư luận. Ông Chấn ra tù với hai bàn tay trắng phải đối diện với tuổi già, bệnh tật… Như vậy, xét tổng thể 9,3 tỉ đồng cho 10 năm tù oan không phải là đòi hỏi quá đáng.
Theo khoản 1, điều 19 của luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước: “Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày kết thúc việc xác minh thiệt hại, cơ quan có trách nhiệm bồi thường phải tổ chức và chủ trì thương lượng với người bị thiệt hại về việc giải quyết bồi thường; trường hợp vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp thì thời hạn thương lượng có thể kéo dài nhưng không quá 45 ngày”. Đối chiếu quy định này với trường hợp của ông Nguyễn Thanh Chấn, đã 7 tháng trôi qua kể từ thời điểm ngày 15.8, khi gia đình ông được Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Hà Nội mời đến làm việc liên quan đến đề nghị bồi thường, nhưng đến nay vụ việc vẫn chưa giải quyết xong là quá chậm trễ.
Sự việc ông Chấn cũng điển hình cho sự chậm trễ khi thỏa thuận bồi thường giữa người bị thiệt hại với các cơ quan tiến hành tố tụng, một phần là do yếu tố chủ quan của người được cơ quan tiến hành tố tụng giao nhiệm vụ, nhưng một phần cũng xuất phát từ lý do khách quan đó là yêu cầu đối với đương sự thu thập các tài liệu để chứng minh cho thiệt hại của mình theo luật, dẫn đến việc người bị thiệt hại rơi vào tình trạng “vật vã” khi đi đòi tiền bồi thường.
Trong vụ Nguyễn Thanh Chấn, đòi hỏi sự sáng tạo linh hoạt của Viện KSND tối cao, TAND tối cao, trực tiếp là những người thực thi pháp luật mới giải quyết được vấn đề. Nếu chỉ nhìn vào những câu chữ trong quy định của pháp luật, thì chắc chắn việc bồi thường cho ông Chấn sẽ bế tắc. Cơ quan chức năng cần có giải pháp tháo gỡ, trên cơ sở các quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường nhà nước để tìm ra giải pháp thấu tình đạt lý việc đền bù oan sai cho ông Chấn, ngõ hầu tạo ra tiền lệ cho việc giải quyết những vụ oan sai sau này.
Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước ra đời ngày 18.6.2009, có hiệu lực từ ngày 1.1.2010, được kỳ vọng là một bước tiến dài trong việc giải quyết những tồn đọng trong lĩnh vực bồi thường nhà nước, nhất là trong lĩnh vực tố tụng hình sự. Nhưng nay, qua một vài vụ án đã bộc lộ nhiều điểm cần phải xem xét lại để sửa đổi, bổ sung. Vì thế, việc sửa đổi, bổ sung là rất cần thiết. Bên cạnh đó, một vấn đề không kém phần quan trọng là cần thay đổi từ lề lối làm việc của những người thi hành công vụ. Có như thế, người oan sai không còn bị “đánh đố” để nhận được bồi thường xứng đáng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.