Đó là tội ác

11/01/2019 05:05 GMT+7

Cơ quan chức năng TP.HCM vừa phát hiện một cơ sở sản xuất bún trên địa bàn dùng hóa chất “hô biến” bún thải thành bún tươi rồi đem bỏ sỉ tại một số chợ.

Vụ việc này một lần nữa cũng cho thấy, dù đã có sự chuyển biến, nhưng trên thực tế, việc ngăn chặn thực phẩm “bẩn”, xử lý các vi phạm trong lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là hành vi dùng hóa chất độc hại để tẩy trắng bún và lòng heo, “tắm trắng” bắp chuối, hoặc sản xuất măng chua, biến thịt heo nái thành thịt bò... vẫn chưa đến nơi đến chốn.
Trong khi đó, đây là những hành vi, như ông Cao Đức Phát khi đang là Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đã phải thốt lên: “Đó là tội ác!”. Hay như một vị luật sư từng phát biểu trên Thanh Niên rằng đây là hành vi đầu độc hàng loạt vì ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của cả một cộng đồng. Các nhà khoa học cũng cảnh báo, thực phẩm “bẩn”, không an toàn, sử dụng chất độc hại thì ngộ độc chỉ là một phần bề nổi, vấn đề đáng lo hơn nhiều chính là nhiễm độc mãn tính, ảnh hưởng ngấm ngầm đến sức khỏe lâu dài và giống nòi. Chất bảo vệ thực vật, thực phẩm “ngậm” hóa chất... cũng là tác nhân gây ra các bệnh ung thư, cướp đi mạng sống của nhiều người, làm nhiều gia đình khánh kiệt.
Nạn thực phẩm “ngậm” hóa chất vẫn “sống” dai dẳng bất chấp các nỗ lực tuyên truyền, các “chiến dịch” ngăn chặn của các bộ, ngành và địa phương... phải chăng do xử phạt của chúng ta chưa đủ sức răn đe, hay “những người gác cổng” cho bữa cơm của mỗi gia đình người Việt chưa làm hết trách nhiệm lớn lao được nhân dân giao phó và kỳ vọng.
Có lẽ là do cả hai. Chủ cơ sở kinh doanh trái cây ở Gia Lai có hành vi ngâm tẩm sầu riêng trái phép, kích thích trái chín sớm chỉ bị xử phạt 20 triệu đồng. Pháp luật cũng có quy định về xử lý hình sự những hành vi vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm, nhưng trên thực tế rất hiếm các vụ được khởi tố, đưa ra xét xử. Trong khi người tiêu dùng vẫn chưa thể đặt niềm tin vào đội ngũ “gác cổng” trong lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm, thậm chí còn hoài nghi khi từng xảy ra những vụ việc kiểu như “cán bộ thú y “biến” heo bệnh thành heo ngon” ở Quảng Bình mà Thanh Niên phản ánh hồi giữa năm 2018.
Phải coi việc đưa hóa chất độc hại, không được phép, vượt quá quy định vào thực phẩm là tội ác và chúng ta phải xử lý như đối với tội ác chứ không thể xử lý như vi phạm thông thường thì xem ra mới dẹp được vấn nạn này, dư luận không còn phải “giật mình” với những tin tức về các vụ việc thực phẩm “ngậm” hóa chất. Và, có xử lý như vậy thì người tiêu dùng mới không còn “bị” khuyến cáo nên là những “nhà tiêu dùng thông thái” khi xách làn ra chợ nữa.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.