Đồng bộ

Chí Hiếu
Chí Hiếu
02/05/2020 07:00 GMT+7

Đã có hơn 1.900 quyết định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông đường bộ của cơ quan chức năng trong 3 tháng thí điểm nộp phạt qua mạng, nhưng chỉ có vỏn vẹn 5 trường hợp nộp phạt online.

Một con số khiến nhiều lãnh đạo rất mặn mà với việc số hóa các dịch vụ công quốc gia cũng phải lấy làm khó hiểu, chưa nói đến những người dân vốn yêu thích “số hóa” và minh bạch các dịch vụ liên quan đến các cơ quan công quyền.
Cụ thể, tại cuộc họp bàn về việc đưa các dịch vụ công lên mạng giữa tuần rồi, đại diện Cục CSGT đường bộ - đường sắt (Bộ Công an) cho biết, trong số 1.903 quyết định xử phạt lên Cổng dịch vụ công quốc gia từ ngày 13.3 đến nay, chỉ có 5 người dân đóng tiền xử phạt trực tuyến. Trong khi đó, 441 người nộp trực tiếp tại kho bạc. Trên 1.000 trường hợp vẫn chưa nộp phạt dù đã xác định rõ vi phạm.
Ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ), cho hay nguyên nhân chính dẫn đến kết quả nộp phạt online còn hạn chế như trên là số lượng phạm vi (tại 5 địa phương thí điểm) khá lớn, nhưng chỉ do cấp phòng trở lên ra quyết định xử phạt nên số lượng đối tượng còn ít.
Hơn nữa, các cá nhân, tổ chức khi trót vi phạm cũng khó biết vi phạm của họ thuộc thẩm quyền xử phạt của ai hay cấp nào, gây khó khăn trong tra cứu và nộp phạt qua mạng.
Thực tế, ghi nhận của PV Thanh Niên tại hiện trường xử lý các vụ vi phạm an toàn giao thông đường bộ của một số địa phương thời gian qua, nhất là việc “thẩm quyền xử lý vi phạm” cũng cho thấy khúc mắc này là có thực.
Bởi mặc dù người vi phạm muốn tìm hiểu về cách thức nộp phạt qua mạng song vẫn chưa được cơ quan có thẩm quyền giải quyết hoặc tuyên truyền, hướng dẫn cặn kẽ. Bên cạnh đó, một trong những điểm chưa tiện lợi là việc xây dựng dữ liệu dùng chung chưa được kết nối, chia sẻ giữa các cơ quan liên quan theo nguyên tắc người dân chỉ cần kê khai một lần khi làm thủ tục thanh toán.
Cũng như sắp tới đây triển khai việc cho phép cá nhân, tổ chức vi phạm giao thông được tự bảo quản phương tiện giao thông vi phạm hành chính thuộc trường hợp bị tạm giữ cũng cần được tổ chức một cách thuận tiện hơn.
Chẳng hạn thay vì viết đơn, photo công chứng các thủ tục giấy tờ đáp ứng đủ điều kiện, hoặc đi xin xác nhận nơi này nơi khác thì chỉ cần vào trang web của cảnh sát giao thông để điền các biểu mẫu có sẵn, thông qua dữ liệu dùng chung, xác nhận nộp tiền bảo lãnh điện tử... cơ quan có thẩm quyền có thể ra quyết định một cách nhanh chóng và thuận tiện.
Chưa kể từ ngày 22.5, Nghị định 45/2020 về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử cũng sẽ chính thức có hiệu lực. Một khi người dân được yêu cầu cơ quan chức năng cấp bản sao điện tử từ sổ gốc, bản chính các giấy tờ pháp lý thay cho bản sao bằng giấy như hiện nay hay chứng thực bản sao điện tử từ bản chính thì cần đồng bộ tất cả các cơ quan nhà nước, các thủ tục khác phải sẵn sàng tương thích.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.