Dựa vào dân để giữ rừng

19/06/2017 06:13 GMT+7

Hôm nay, theo nghị trình, Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường về dự án luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi).

Trong bối cảnh mặc dù Thủ tướng đã ra lệnh đóng cửa rừng nhưng báo chí phản ánh rừng ở nhiều tỉnh vẫn bị phá tràn lan, thì việc sửa đổi dự luật này rất đáng được chờ đợi.
Tuy vậy, qua thảo luận ở tổ mới đây về dự luật, vẫn còn ý kiến cho rằng dự luật chưa gắn với thực tiễn cuộc sống người dân - đối tượng được cho là quan trọng nhất trong bảo vệ, phát triển rừng, trong khi nói như đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang - thiếu tướng Sùng Thìn Cò, "kẻ thù của rừng là con người, bạn thân của rừng cũng là con người".
Đại biểu Sùng Thìn Cò kể, tuy chúng ta đã có một số cơ chế chính sách để chăm sóc, bảo vệ rừng tái sinh, nhưng phải làm sao cho thích hợp với từng vùng. Ông ví dụ, các khu vực rừng đặc dụng, theo quy định của pháp luật là không được bố trí dân cư ở gần. Ở Hà Giang hay nhiều tỉnh miền núi Tây Bắc, người đông, đất ít, núi đá nhiều, rừng đặc dụng có một chút đất song cũng không giao cho dân. "Không ai bỏ cuộc sống được, ai cũng phải kiếm kế sinh nhai. Người ta ở gần rừng đặc dụng từ xa xưa rồi. Chúng tôi vào bảo sao lại không giao cho dân, lại để thế này. Thế là cha chung không ai khóc. Ai phá thì cứ phá, giữ thì chả có cơ sở. Kiểm lâm vào giao một số cây nhưng không có văn bản và chế độ kèm theo, nên không giữ được", ông Sùng Thìn Cò dẫn chứng.
Một câu chuyện khác, cũng được chính vị thiếu tướng này nhắc lại, là ở địa phương ông, có thời kỳ thương lái nước ngoài tổ chức thu mua gỗ để phá hoại, nên dân hò nhau đi vác gỗ. Chỉ qua một đêm, tiền vác gỗ bằng tiền đi làm cả năm, mua được điện thoại nên rừng bị phá kinh khủng. Chỉ đến khi bộ đội biên phòng vào cuộc, cùng kiểm lâm, dân quân lập các chốt vừa giữ rừng, vừa tuyên truyền thì mới hạn chế được. Kinh phí tuyên truyền được dùng để mua trâu bò tặng dân, tổ chức những bữa cơm rượu thịt quân - dân rồi tuyên bố đoàn kết, biểu quyết từ nay không phá rừng. Thế là dân rất khoái. Ông Sùng Thìn Cò khẳng định rừng Hà Giang đến giờ giữ được một phần nhờ vậy.
Tương tự là vấn đề kêu gọi tăng trồng rừng công nghiệp, nhưng công nghiệp chế biến, rồi sản xuất đồ gỗ thay thế đồ gỗ tự nhiên lại không phát triển tương thích. Điều này, theo ông Sùng Thìn Cò, là lý do chính khiến người dân quê ông bị “người ta” ép giá, đồng bào không thu được bao nhiêu cả, đâm ra nản.
Kể lại những câu chuyện như thế, vị đại biểu nói "rất tâm huyết với vấn đề bảo vệ rừng", đúc kết rằng "trồng rừng cũng là dân, phá rừng cũng là dân". Vậy nên, để bảo vệ và phát triển rừng, phải có các giải pháp cụ thể, chứ nếu không chỉ là hô khẩu hiệu. Theo đó, chính sách pháp luật về rừng cần phải coi người dân là trung tâm, phải thích hợp cho từng vùng. "Nói cách khác, luật phải lo, nghĩ, tính toán cho dân. Như thế mới khuyến khích được dân trồng rừng, giữ rừng", ông Sùng Thìn Cò trăn trở.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.