Đụng chuyện mới lên tiếng

03/08/2014 03:00 GMT+7

Người hâm mộ bóng đá VN lại một lần nữa chứng kiến cuộc gặp gỡ mới đây giữa những người lãnh đạo Liên đoàn Bóng đá VN, mà đứng đầu là ông Chủ tịch Lê Hùng Dũng, với đại diện Cơ quan điều tra Bộ Công an để bàn về việc phối hợp phòng chống tiêu cực trong bóng đá VN vốn đã gây ra nhiều nhức nhối trong thời gian qua.

Người hâm mộ bóng đá VN lại một lần nữa chứng kiến cuộc gặp gỡ mới đây giữa những người lãnh đạo Liên đoàn Bóng đá VN, mà đứng đầu là ông Chủ tịch Lê Hùng Dũng, với đại diện Cơ quan điều tra Bộ Công an để bàn về việc phối hợp phòng chống tiêu cực trong bóng đá VN vốn đã gây ra nhiều nhức nhối trong thời gian qua.

Nhưng đây không phải lần đầu có sự phối hợp này mà nhiều năm trước đây hễ cứ khi bắt đầu mùa bóng là y như rằng lại thấy xuất hiện thông tin đại diện VFF làm việc với Bộ Công an. 3 năm trước, Chủ tịch VFF khi đó là ông Nguyễn Trọng Hỷ cũng đã ký văn bản thỏa ước phòng chống tiêu cực với cơ quan phòng chống tội phạm Bộ Công an. Mới năm rồi, người ta còn thấy Chủ tịch VPF là ông Võ Quốc Thắng cũng đã ký kết các liên tịch, hợp tác toàn diện với C45 để giúp bóng đá VN lôi ra ánh sáng các bóng ma tiêu cực.

Việc ký kết, trao đổi và gặp gỡ thường xuyên, thậm chí là có đường dây nóng kết nối với nhau nhằm thông tin hai chiều trong việc phòng chống nạn mua bán độ là cần thiết và cũng nói lên quyết tâm bài trừ tệ nạn mua bán độ của những người có trách nhiệm. Nhưng trong thực tế vẫn còn nhiều điều khiến dư luận băn khoăn. Chẳng hạn việc triển khai chương trình này đã thực sự đồng bộ chưa, việc quyết tâm chống tiêu cực có được VFF làm triệt để chưa, các hồ sơ nghi vấn có kịp thời chuyển cho cơ quan điều tra hay không hay vẫn còn những trục trặc gì đó mà đến nay vì sao nạn cá độ, bán độ mùa bóng nào cũng vẫn còn và mỗi lúc tinh vi, táo tợn hơn.

Hai vụ nổi cộm trong năm nay liên quan đến đội Vissai Ninh Bình và Đồng Nai đều do cơ quan điều tra theo dõi một thời gian dài phát hiện được một số cầu thủ đặt độ với xã hội đen bên ngoài tiến hành dàn xếp tỷ số để thao túng trận đấu, kết hợp với đấu tranh trong nội bộ để phát hiện thêm các hành vi tiêu cực, từ đó truy diệt trọn ổ. Ở cả hai vụ này vai trò của VFF và VPF là hết sức mờ nhạt. Đụng chuyện rồi mới thấy xuất hiện lên tiếng, còn trước đó chẳng thấy bất kỳ động thái nào. Người hâm mộ có quyền đặt câu hỏi: VFF và VPF có biết những biểu hiện bất thường từ các trận đấu, từ các thành viên trong giải để cảnh báo việc quản lý của các CLB hay nhắc nhở việc tăng cường giáo dục đạo đức cầu thủ, trọng tài, giám sát... không, hay đợi “nước đến chân mới nhảy”?

Công bằng thì có thể thông cảm cho VFF, VPF khi họ nói rằng không có công cụ trong tay nên có biết cũng không làm gì được. Nhưng trong phạm vi quản lý xã hội nghề nghiệp của mình, VFF và cao hơn là Tổng cục TDTT không thể nói rằng biết mà không xử. Nhẹ thì VFF hoàn toàn có thể kỷ luật trong phạm vi quyền hạn của mình, còn nặng thì chuyển hồ sơ qua cơ quan điều tra đề nghị hỗ trợ điều tra những thế lực ngầm chi phối giới quần đùi áo số.

Như các vụ Xi măng Xuân Thành Sài Gòn dàn xếp tỷ số và tổ trọng tài Hà Nội nhận bồi dưỡng năm rồi, Ban Tư vấn đạo đức VPF đã phát hiện biểu hiện tiêu cực từ đầu và yêu cầu xử nghiêm nhưng vụ việc cứ thế trôi lững lờ theo thời gian mà không hề thấy sự kiên quyết nào của VFF, VPF. Mãi đến khi bị dư luận phản ứng và ở thế bị dồn vào chân tường, thì mới đem ra xử.

Quang Tuyến

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.