Đừng lãng phí tuổi trẻ bằng 'biên chế'

22/12/2015 05:22 GMT+7

Hồi tháng 11.2014 khi từ Singapore đi Yangon (Myanmar), tôi được xếp ngồi cạnh hai thanh niên Myanmar, là Thein Soe và Hla Tin.

Hồi tháng 11.2014 khi từ Singapore đi Yangon (Myanmar), tôi được xếp ngồi cạnh hai thanh niên Myanmar, là Thein Soe và Hla Tin.

Họ là công nhân một nhà máy đóng tàu ở Singapore. Chuyến bay đó đưa họ về nước “để làm một cái gì đó của riêng mình, chứ không lẽ cả đời đi làm thuê”, dù điều kiện làm việc và thu nhập ở Singapore không tồi.
“Làm gì?”, tôi hỏi. “Để về sống trong nước một thời gian xem nhu cầu thế nào đã. Có thể là một cửa hàng liên quan đến internet”, Thein Soe đáp.
Thein Soe và Hla Tin chỉ là hai trong số nhiều thanh niên ở nhiều quốc gia khác nhau mà tôi biết, gồm cả những người học cao và có việc làm tốt, đã bỏ Singapore về nước của họ lập nghiệp.
Hôm qua đọc bài “Chạy” vào chỗ lương thấp để làm gì? trên Báo Thanh Niên, tôi hơi chột dạ khi thấy hàng trăm bạn trẻ chen nhau nộp hồ sơ thi biên chế, thậm chí nhiều người bỏ đến hàng trăm triệu đồng để “mua” một suất biên chế.
Thật ra, chọn một công việc nhàn nhã, ổn định, chẳng bao giờ lo bị đuổi việc lại có sổ hưu khi về già cũng không hẳn là sai. Nhưng tôi e rằng nếu có lúc nhìn lại, người ta sẽ phải hối tiếc cho những năm tháng “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về” nhàm chán. Tiếc cho khoản “đầu tư tìm việc” quá lớn mà lẽ ra có thể đủ để mở một cửa hàng kinh doanh nho nhỏ.
Khởi nghiệp kinh doanh không bao giờ là dễ dàng. Nhưng nó cho người ta cơ hội thể hiện và khám phá hết năng lực của mình, làm giàu cho bản thân và tạo việc làm cho xã hội. Nhìn những tấm gương như Mark Zuckerberg, người sáng lập mạng xã hội Facebook và trở thành tỉ phú ở tuổi 26, chúng ta không thể không đặt câu hỏi: “Liệu chàng trai này sẽ là ai nếu anh ta chỉ học xong và đi làm cho Microsoft hay Apple?”.
Trên bình diện một quốc gia, công tác khuyến khích người trẻ khởi nghiệp, thay vì hướng họ đi vào làm công ăn lương, không chỉ là đòn bẩy cho nền kinh tế, mà còn thúc đẩy sáng tạo và cải tiến. Về mặt này, nước Mỹ đứng số 1.
Ở cạnh ta, Singapore cũng rất chú trọng việc khuyến khích mọi tầng lớp, đặc biệt là sinh viên và người trẻ khởi nghiệp. Thủ tướng Lý Hiển Long năm nào trong buổi diễn thuyết mừng quốc khánh cũng tôn vinh những người tự tạo ra công việc cho mình, có khi chỉ là một người bán món bún bình dân.
Chính phủ Singapore có rất nhiều quỹ hỗ trợ doanh nghiệp trẻ. Võ Hoàng Hải, một bạn trẻ VN cho biết đã tận dụng một số khoản quỹ nhỏ này, có khi chỉ là 5.000 SGD (khoảng 80 triệu đồng - chắc chưa đủ một suất chạy vào biên chế?) hay suất tài trợ một khóa đào tạo, cho hoạt động của Công ty phần mềm Epsilon mà anh thành lập khi đang học năm 2 ngành quản trị kinh doanh tại Đại học Quốc gia Singapore (NUS). Tốt nghiệp NUS năm 2014, Hải đã có trong tay một công ty ăn nên làm ra đặt tại Singapore với đội ngũ chuyên viên 7 - 8 người làm việc tại TP.HCM.
Tuổi trẻ có nhiều cơ hội để thử thách bản thân, kể cả sửa sai. Tội gì cứ phải bằng mọi giá lao vào những công việc đã được sắp đặt sẵn, nhàm chán. Cũng như những thanh niên Myanmar muốn “làm cái gì đó của riêng mình”, trong một lần phỏng vấn với Thanh Niên, chàng sinh viên Võ Hoàng Hải khởi nghiệp lúc 22 tuổi đã xác định: “Lập công ty để tạo giá trị của riêng mình”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.