“Ghi bàn” từ sự cố

29/04/2017 07:07 GMT+7

Việc tiền trong tài khoản bỗng dưng không cánh mà bay lại vừa xảy ra với một khách hàng của Sacombank cách đây vài ngày.

Bản chất sự việc cũng không có gì mới, cũng là do kẻ gian đánh cắp thông tin để làm thẻ giả nên thẻ còn nằm trong túi chủ nhân ở Hà Nội mà tiền đã bị rút tại một điểm tại TP.HCM.
Điểm mới là sự việc nhanh chóng lắng xuống, không bị “xé ra to” như trước kia. Tất cả, chỉ là nhờ cách hành xử chuyên nghiệp của nhà băng này.
Cuối năm ngoái, liên tiếp các vụ tiền trong tài khoản của khách hàng bị “bốc hơi”. Người mất vài triệu, người vài chục triệu đồng, có trường hợp lên đến vài tỉ đồng. Vụ nào cũng lùm xùm đến mức có cảm giác, các hacker đều dồn vào các ngân hàng trong nước và sự an toàn của các thẻ thanh toán ở VN hết sức yếu kém so với các nước trên thế giới. Nhưng thống kê của một tổ chức thẻ quốc tế cho thấy, tỷ lệ rủi ro qua thẻ thanh toán tại VN khá thấp, chỉ bằng 1/3 so với mức trung bình trên toàn thế giới. Thực tế, các thương hiệu thẻ quốc tế mỗi ngày phải xử lý hàng triệu giao dịch tra soát phát sinh từ khiếu nại của khách hàng sử dụng thẻ thanh toán.
Trong khoảng 2 năm (2015 - 2016) trên thế giới có khoảng 17.000 người bị lừa đảo qua mạng với số tiền ước tính 2,3 tỉ USD. Nhưng sở dĩ ai cũng có cảm giác thẻ của nhà băng VN mất an toàn hơn là do cách hành xử của họ. Cùng bị mất tiền trong tài khoản, nếu các ngân hàng ở Mỹ, châu Âu và một số nước lập tức hoàn tiền cho khách trước sau đó mới điều tra xem lỗi bên nào thì ở ta, ngân hàng và khách hàng lao vào cuộc đổ lỗi, tố cáo, thậm chí khiếu kiện lẫn nhau. Mà “cãi” với ngân hàng thì khách hàng thường nắm phần thua. Hoặc giải quyết được thì cũng tốn không biết bao nhiêu thời gian, công sức, chưa kể rước thêm sự bực tức vào thân. Rồi sự việc được tung lên mạng, được phản ánh với báo chí... ồn ào hết lên.
Trở lại sự việc của Sacombank, ngay khi nhận được phản ánh của khách hàng, nhà băng này đã tiến hành hoàn tiền cho khách trước rồi điều tra sau. Cách hành xử chuyên nghiệp này đã giúp Sacombank biến sự cố thành một pha “ghi bàn” ấn tượng. Tất nhiên, sau khi điều tra, nếu lỗi tại khách hàng thì khách hàng phải chịu thiệt hại, lỗi ở ngân hàng thì ngân hàng phải gánh. Nhưng hành xử như vậy, người bị mất tiền cảm thấy được an ủi, khách hàng nói chung cảm thấy an tâm.
Phải nói luôn rằng, chuyện an ninh tài khoản là chuyện muôn thuở, chắc chắn sẽ còn xảy ra không chỉ ở VN mà tất cả các nước trên thế giới. Nhưng để chuyện bé xé ra to hay biến sự cố thành pha ghi bàn như trường hợp nói trên đều phụ thuộc vào cách hành xử của mỗi ngân hàng. Nhìn xa hơn, chúng ta đã hội nhập rất sâu và rộng với kinh tế thế giới thì cách hành xử cũng phải hội nhập theo. Có như vậy, các nhà băng mới có thể cạnh tranh với ngân hàng ngoại đang tăng tốc mạnh tại thị trường nội địa.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.