Giải cứu Quỹ BHXH

18/11/2016 06:36 GMT+7

Nợ đọng bảo hiểm kéo dài ở khối doanh nghiệp là nguyên nhân dẫn đến tình trạng Quỹ bảo hiểm xã hội đang rơi vào mất cân đối nghiêm trọng giữa thu và chi.

Chúng ta đã nói rất nhiều về nguy cơ vỡ quỹ này và tìm các giải pháp, thậm chí kéo dài tuổi nghỉ hưu để chống vỡ quỹ cũng được tính tới. Nhưng có một nguồn bổ sung quỹ hiển nhiên thì dường như lại cực kỳ bế tắc. Tính đến tháng 9 năm nay, số tiền nợ đọng các quỹ bảo hiểm (Bảo hiểm xã hội - BHXH, BH thất nghiệp, BH y tế) lên đến trên 14.000 tỉ đồng. Trong đó riêng nợ quỹ BHXH hơn 9.500 tỉ đồng, BH y tế hơn 4.000 tỉ đồng. Theo tính toán của Tổng liên đoàn Lao động VN, hiện có khoảng 2,6 triệu người lao động đang làm việc tại hơn 100.000 doanh nghiệp bị nợ BH các loại.
Một con số khá sốc và còn giật mình hơn khi mà tình trạng chây ì, nợ đọng đang ngày càng trầm trọng hơn. Lâu nay, khi danh sách và số nợ ngày càng tăng, cơ quan BHXH buộc phải chọn cách kiện doanh nghiệp ra tòa. Các vụ khởi kiện này đa phần là thắng; nhưng vấn đề là thắng cũng chỉ để thắng, hầu như không có khoản nợ nào được thu hồi sau đó (?). Luật BHXH 2014 giao thêm cho liên đoàn lao động nhiệm vụ khởi kiện, nhưng xem ra kết quả cũng không mấy khả quan.
Vấn đề cần bàn bây giờ là, làm thế nào khiến doanh nghiệp nghiêm túc trong thực thi nghĩa vụ đóng BH, chứ không phải là cách BH và người lao động (mà đại diện là liên đoàn lao động) chạy theo doanh nghiệp (khởi kiện đòi nợ BH).
Cần phải thống nhất nguyên tắc, trốn các nghĩa vụ với nhà nước là hành vi vi phạm pháp luật. Đối với việc trốn đóng BHXH của doanh nghiệp, ngoài việc trốn nghĩa vụ với nhà nước, nó còn xâm phạm nghiêm trọng quyền và lợi ích của người lao động. Do vậy, nhà nước cần có biện pháp cứng rắn hơn trong việc truy thu, đòi nợ BHXH.
Theo bộ luật Hình sự (có hiệu lực từ 1.7.2016) có bổ sung một tội danh mới là tội trốn đóng BHXH, BH y tế, BH thất nghiệp cho người lao động. Theo điều 216, chủ thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tại tội này ngoài cá nhân còn có thể là pháp nhân - doanh nghiệp trốn đóng BH. Mức phạt đối với pháp nhân phạm tội có thể lên đến trên 3 tỉ đồng; ngoài ra, những cá nhân liên quan trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội vẫn có thể bị tiếp tục truy cứu trách nhiệm hình sự do tội này, với các hình phạt bổ sung như cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm.
Đây sẽ là điều kiện cần để vấn đề nợ đọng BHXH lâu nay sẽ được giải quyết. Nhưng điều kiện đủ phải là các tổ chức công đoàn đủ mạnh và độc lập, hoặc các công cụ trợ giúp pháp lý cho người lao động hoạt động tích cực và hiệu quả.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.