Giải cứu... quy trình

Lê Hiệp
Lê Hiệp
09/11/2019 06:03 GMT+7

Nếu chúng ta tiếp tục đẻ ra các quy trình thay vì cải thiện sự dân chủ, công khai và minh bạch trong các quy trình của công tác cán bộ thì giống giải cứu nông sản sẽ tới lúc chúng ta phải giải cứu... các quy trình.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân khi trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội ngày 7.11 vừa qua đã thừa nhận sự thất bại của các loại quy trình trong công tác cán bộ khi khẳng định: "Chúng ta làm rất nhiều quy trình, thủ tục nhưng vẫn chọn sai cán bộ".
Người đứng đầu ngành nội vụ đồng thời cũng là Phó trưởng ban Tổ chức T.Ư khẳng định công tác cán bộ được làm rất chặt, trải qua quy trình 5 bước, từ thảo luận chủ trương, tiêu chí, điều kiện cho tới tổ chức hội nghị cán bộ chủ chốt; hội nghị mở rộng vòng 1 vòng 2 rồi ban cán sự Đảng, Đảng ủy nhưng vẫn không nắm được con người, không hiểu được cán bộ.
Quy trình rất nhiều, nhưng hiệu quả chẳng bao nhiêu, có lẽ không còn là chuyện gì đáng ngạc nhiên. Bởi người ta có thể lấy rất nhiều ví dụ từ thực tiễn để minh chứng cho mệnh đề này.
Quy trình 5 bước trong tuyển chọn, quy hoạch và bổ nhiệm cán bộ đã có từ lâu nhưng chỉ tính riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng khóa XII tới nay, chúng ta đã phải kỷ luật tới 70 cán bộ thuộc diện T.Ư quản lý - những cán bộ mà chúng ta vẫn gọi là cán bộ cấp chiến lược. Người dân không khỏi băn khoăn những cán bộ này đã vượt qua các loại quy trình như thế nào để lọt vào T.Ư, Bộ Chính trị, thậm chí được phong anh hùng khi những sai phạm của họ đều từ những nhiệm kỳ trước đó.
Thậm chí một nữ trưởng phòng tại Đắk Lắk dùng tấm bằng cấp 3 của chị gái ở quê vẫn có thể vào làm công chức tại Văn phòng Tỉnh ủy, được kết nạp Đảng rồi bổ nhiệm làm phó trưởng phòng, trưởng phòng mà trong suốt 20 năm không có quy trình nào phát hiện ra được.
Trong phần giải trình của mình trước Quốc hội, Bộ trưởng Tân đã dẫn kinh nghiệm chọn đúng người của Bác Hồ như một sự đối sánh với thực tiễn quy trình, thủ tục rất nhiều vẫn chọn không đúng người của chúng ta hiện nay.
Là người đứng đầu ngành nội vụ của cả nước, Bộ trưởng Tân không phải không hiểu rằng, Bác Hồ chọn đúng người bởi Bác không phải dùng tới quy trình, thậm chí không câu nệ điều kiện, tiêu chuẩn nào cả. Khi chúng ta biến những quy trình vốn được sinh ra như một phương tiện trở thành cứu cánh thì mọi quy trình dù chặt chẽ tới mấy cũng sẽ trở nên vô tác dụng.
Tại hội trường Quốc hội, giải pháp mà Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân đưa ra cho tình trạng nêu trên là phải quản lý chặt hồ sơ của cán bộ. Tuy nhiên, nó vẫn chỉ là câu chuyện của quy trình. Trong khi vấn đề quan trọng nhất hiện nay chính là sự dân chủ, công khai và minh bạch trong các quy trình quy hoạch, tuyển chọn và bổ nhiệm cán bộ. Chính sự thiếu dân chủ, công khai, minh bạch chính là nguyên nhân khiến chúng ta chọn sai cán bộ dù là áp dụng quy trình 5 bước hay 7 bước.
Nếu chúng ta tiếp tục đẻ ra các quy trình thay vì cải thiện sự dân chủ, công khai và minh bạch trong các quy trình của công tác cán bộ thì thay vì giải cứu các nông sản như lợn, dưa hấu hay hoa sen, sẽ tới lúc chúng ta phải giải cứu... các quy trình.
Và chắc chắn là giải cứu quy trình sẽ không đơn giản như giải cứu lợn hay dưa hấu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.