Giám thị tuồn đề thi

09/06/2018 06:29 GMT+7

Chuyện một giám thị tuồn đề thi cả 2 môn trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 ở Hà Nội là hồi chuông cảnh báo cho áp lực học hành, thi cử và gánh nặng thành tích học tập đang đeo bám phụ huynh, học sinh.

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 ở 2 thành phố lớn Hà Nội và TP.HCM luôn luôn nóng vì áp lực rất lớn, đặc biệt ở những trường tốp đầu, trường chuyên. Năm nay còn căng thẳng hơn khi số thí sinh tăng gấp nhiều lần so với chỉ tiêu. Từ đầu năm đến nay đã có vô số những lời cảnh báo cho một cuộc “đua” đầy khốc liệt ở cả 2 thành phố, đặc biệt là Hà Nội. Học sinh miệt mài ôn luyện ngày đêm, phụ huynh “binh” tất cả các đường để con có nhiều cơ may trúng tuyển vào ngôi trường ưng ý nhất. Tuy nhiên, có lẽ đỉnh điểm của sự căng thẳng này chính là việc giám thị một hội đồng thi ở Hà Nội tuồn đề thi cả 2 môn ra ngoài khi chưa đến nửa thời gian thi.
Qua xác minh, giám thị này cho biết đã mang điện thoại vào phòng thi để chụp đề truyền ra ngoài. Chưa có kết luận cuối cùng nên chưa rõ động cơ nào khiến giám thị có hành động như vậy, nhưng chắc chắn một điều giám thị thực hiện việc này không phải để chơi!
Nên nhớ rằng quy chế thi không cho phép giám thị mang các thiết bị thu phát thông tin vào khu vực thi. Quy định này mỗi giám thị và mỗi trưởng điểm thi phải nằm lòng vì thế không thể nói giám thị không biết hoặc không được thông báo. Do đó, trường hợp này có thể đặt nghi vấn giám thị không thể một mình thực hiện hành động dùng điện thoại chụp đề thi rồi chuyển ra ngoài. Hoặc công tác coi thi ở điểm thi này quá lơi lỏng đến mức giám thị có thể thực hiện các hành động vừa nêu một cách dễ dàng mà không bị phát hiện. Hoặc tiêu cực hơn là có một nhóm người cố tình tiếp tay cho hành động này. Dù cách nào thì rõ ràng công tác coi thi ở điểm thi có vấn đề và cần phải kiểm tra để tạo sự công bằng cho các thí sinh khác.
Việc tuồn đề thi ra ngoài cho thấy nỗi ám ảnh học hành, thành tích nặng đến mức người ta thách thức cả pháp luật. Trong khi kỳ thi THPT quốc gia đã cận kề và các địa phương đóng vai trò chủ trì trong việc coi thi thì sự việc này càng gây lo ngại, hoang mang với dư luận. Bởi nếu các địa phương coi thi không nghiêm túc, để xảy ra tiêu cực thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến kết quả của thí sinh, gây ra sự bất công ngay từ khâu đầu tiên trong thi tuyển.
Mấy chục năm trước những tiêu cực như thế này đã xảy ra, giờ khi ngành giáo dục chủ trương rất nhiều đổi mới sao vẫn còn những hiện tượng này? Phải chăng những thay đổi đó chưa triệt để, chưa tận gốc để có thể làm chuyển biến nền giáo dục để xem việc học là niềm vui, kỹ năng cần thiết cho cuộc sống chứ không phải là điểm số, thi cử, thành tích?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.