Hàng ngàn quy định trái luật

08/04/2015 05:29 GMT+7

Luật Đầu tư (sửa đổi) được Quốc hội thông qua cuối năm 2014 được kỳ vọng sẽ tạo đột phá cho môi trường kinh doanh, bởi lần đầu tiên luật hóa được danh mục 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện và danh mục 6 ngành cấm đầu tư kinh doanh. Nghĩa là doanh nghiệp và người dân được toàn quyền tự do kinh doanh các ngành nghề nằm ngoài danh mục ấy.

Luật Đầu tư (sửa đổi) được Quốc hội thông qua cuối năm 2014 được kỳ vọng sẽ tạo đột phá cho môi trường kinh doanh, bởi lần đầu tiên luật hóa được danh mục 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện và danh mục 6 ngành cấm đầu tư kinh doanh. Nghĩa là doanh nghiệp và người dân được toàn quyền tự do kinh doanh các ngành nghề nằm ngoài danh mục ấy.

Thế nhưng, chỉ còn chưa đầy 3 tháng luật có hiệu lực, thống kê cho thấy vẫn có hàng ngàn quy định trái luật.
Có thể nói thẳng lý do đầu tiên và lớn nhất đó chính là lợi ích cục bộ của các bộ, ngành, địa phương. Cắt bỏ giấy phép “con” (thường là các quy định trái luật) là cắt bỏ quyền lợi, cắt bỏ công cụ để tạo ra lợi ích đó nên không đơn vị nào mặn mà thực hiện. Thậm chí, nhiều nơi còn "đẻ" thêm các quy định, các điều kiện kinh doanh, tạo ra một ma trận giấy phép bủa vây người dân, doanh nghiệp (DN). Thống kê của Bộ KH-ĐT cho thấy, giấy phép “con”, giấy phép “cháu” luôn lớn hơn nhiều lần giấy phép “cha”. Cụ thể tính đến cuối năm 2014 có tới 895 điều kiện kinh doanh “cấp 1” (giấy phép “cha”), 2.129 điều kiện “cấp 2” (giấy phép “con”) và 1.745 điều kiện “cấp 3” (giấy phép “cháu”). Các tầng nấc giấy phép này chính là cội nguồn của cơ chế xin - cho tồn tại bao năm nay và đã trở thành luật bất thành văn trong mối quan hệ giữa DN, người dân với các cơ quan công quyền. Nó làm cho chi phí không chính thức trở thành một gánh nặng của DN, họ buộc phải "bổ" lên giá hàng hóa, dịch vụ và từ đó góp phần làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa VN so với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Nói thế để thấy việc bỏ giấy phép “con”, khó chẳng qua ở chỗ không đơn vị nào muốn bỏ đi cục lợi của mình mà thôi. Còn giấy phép “con” là còn phải lót tay, phải xin - cho. Đó là lý do vì sao theo luật Đầu tư sửa đổi sắp có hiệu lực thì các điều kiện kinh doanh, đầu tư chỉ được quy định tại luật, pháp lệnh, nghị định và điều ước quốc tế nhưng theo ông Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế T.Ư, tới thời điểm này, số lượng điều kiện kinh doanh trong thông tư ngày càng nhiều hơn. Đây chính là rào cản gia nhập thị trường khiến chi phí, thời gian tăng, tạo bất bình đẳng trong tiếp cận cơ hội kinh doanh...
Vì vậy, muốn tạo đột phá cho môi trường kinh doanh, không cách nào khác là phải kiên quyết thực hiện cắt bỏ các rào cản này. Với việc quy định rõ những danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện và các ngành cấm kinh doanh trong luật Đầu tư sửa đổi, thực hiện cắt bỏ giấy phép “con” lúc này thực tế là thuận lợi hơn trước kia. Cứ "chiếu" theo đó mà cắt, mà xử lý và xử lý thật nghiêm các đơn vị vi phạm, chắc chắn sẽ hiệu quả. Đây cũng là cách tốt nhất để hỗ trợ DN trong cạnh tranh hội nhập, cải thiện môi trường để thu hút đầu tư nước ngoài và nâng cao chất lượng phục vụ của các cơ quan công quyền trong nước. Còn nếu luật đã quy định rõ ràng mà vẫn để tình trạng hàng ngàn điều kiện kinh doanh trái luật tồn tại ở chính bộ máy dịch vụ công, chắc chắn có sự dung túng cho các đơn vị này vi phạm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.