Hiệu ứng lề đường

Tuyên bố “giành lại lề đường” như thể gọi tên một tranh chấp, một va chạm khó mà êm đềm. Là đập bỏ, tháo dỡ ngay lập tức những công trình lấn chiếm lề đường, cho dù đó là của cơ quan cấp Bộ. Là cẩu xe biển số xanh vi phạm về trụ sở xử lý, cho dù đó là xe biển số trung ương.

Nhưng cũng chính từ tuyên bố “giành lại lề đường” cho thấy, chúng ta đã nhân nhượng, đã thông cảm, đã chiếu cố đủ lâu rồi cho những chuyện nhân danh làm ăn mua bán, nhân danh biển số xanh, biển số đỏ để lợi việc riêng mà thiệt việc chung.
Sự quyết liệt của Q.1, TP.HCM có thể làm ta có chút ngần ngại khi thấy chuyện đập bỏ, tháo dỡ quyết liệt. Nhưng thử nhìn lại đi, chúng ta đã mất bao nhiêu thời gian rồi để chờ đợi ý thức tự giác, mà kết quả đem về thật ra chỉ là cảnh nhếch nhác của một đô thị từng được vinh danh “Hòn ngọc Viễn Đông”? Chúng ta còn định chờ bao nhiêu năm nữa để nhìn thấy sự tự giác khi mà tình trạng lấn chiếm lòng lề đường đã trở thành một trào lưu kinh doanh vỉa hè. Đừng nói về những đường phố cũ có sẵn lịch sử sầm uất của nó, cứ thử nhìn vào một cung đường mới mở như đường Phạm Văn Đồng đủ thấy chúng ta cần phải làm nhiều việc kiên quyết để người dân nâng cao ý thức giữ gìn mỹ quan và xây dựng văn minh đô thị.
Vậy nên ông Phó chủ tịch UBND Q.1 không phải là người hùng gì cả, ông ấy đơn giản đang làm công việc cần làm của một lãnh đạo chính quyền có trách nhiệm. Bất cứ vị lãnh đạo địa phương nào cũng đều có thể làm điều tương tự, vì sự phát triển của thành phố. Bằng chứng, các quận khác đã bắt đầu vào cuộc thật sự để thay đổi vấn nạn lâu nay của lề đường thành phố. Chúng ta đã nhìn thấy tinh thần trách nhiệm cao của chính quyền.
Mà ngay người dân cũng có thể tự mình làm việc đó. Nhiều người dân ở khu vực trung tâm chủ động dỡ bỏ các hạng mục xây dựng lấn chiếm lề đường, không đợi đội kiểm tra của chính quyền ra tay. Chúng ta có quyền tin tưởng nhiều người dân luôn biết lựa chọn điều gì là đúng, là phù hợp với lợi ích chung, ngay cả khi họ phải rời bỏ lợi ích của riêng mình.
Cách làm quyết liệt của Q.1 đã chuyển cho người dân, cho xã hội một tinh thần quản trị xã hội mà lâu nay chúng ta chờ đợi. Rằng chúng ta luôn cảm thông sâu sắc với nhiều hoàn cảnh nghèo khổ còn phải buôn gánh bán bưng để kiếm sống. Rằng chúng ta luôn tôn trọng quyền làm ăn mua bán của người dân thành phố, luôn tôn trọng vị thế của các cơ quan nhà nước. Nhưng chúng ta cũng muốn mọi người, từ cơ quan chính quyền đến người dân, phải tôn trong lợi ích chung, và học cách hợp tác cùng nhau vì lợi ích chung của thành phố.
Cuộc quyết liệt giành lại lề đường mà có báo gọi là “cơn lốc trên lề đường Q.1”, cho đến lúc này chẳng phải khởi động một tranh chấp nào cả, mà chính là giúp tìm kiếm lại tinh thần hợp tác vì lợi ích cộng đồng.
Nhiều việc tiếp theo cần chúng ta hợp tác cùng nhau, là lo chỗ mua bán phù hợp cho người nghèo, là giám sát dài lâu trật tự đường phố, để lề đường rồi sẽ luôn bình yên như mong đợi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.