Hứa suông

Mai Hà
Mai Hà
03/10/2019 05:11 GMT+7

Sau cuộc thị sát của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, thời điểm vận hành thương mại tàu Cát Linh - Hà Đông đã được Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể tạm chốt lại là trong tháng 11 tới đây.

Nhưng thời hạn này liệu có đúng, hay lại là lời hứa suông trong chuỗi dài thất hứa của dự án?
Cũng trong cuộc làm việc giữa các bên sau đó, phần thông tin vênh nhau giữa Bộ GTVT và tổng thầu EPC Trung Quốc đã lộ ra nhiều vấn đề bi hài. Bộ GTVT cho rằng, dự án đã hoàn thành 99% khối lượng, nhưng để vận hành được phải hoàn thiện nghiệm thu cũng như cái gật đầu của tư vấn kiểm định độc lập, trong khi tổng thầu lại nói, dự án đã “hoàn thành 100%”. Dù Phó thủ tướng nhiều lần hỏi thẳng: Bao giờ đưa vào vận hành chính thức? thì câu trả lời nhận được vẫn rất chung chung, mơ hồ khi tổng thầu đẩy trách nhiệm “không phải do nhà thầu mà do chủ đầu tư (Bộ GTVT) quyết định”.
Với thái độ loanh quanh, né tránh này của tổng thầu, mốc thời hạn chung chung lãnh đạo Bộ GTVT phấn đấu đưa ra là 1 - 1,5 tháng sẽ chỉ là duy ý chí. Nhất là khi đại diện Tập đoàn Apave (Pháp) - tư vấn độc lập đang kiểm định dự án Cát Linh - Hà Đông đưa ra nhiều thông tin bất ngờ, đáng lo ngại về hệ thống an toàn khi “nhiều thứ đang không đồng bộ”. Đơn vị tư vấn thậm chí cho rằng, có thể sẽ mất 6 tháng nữa dự án mới vận hành được và “dù có cố gắng đến đâu thì chúng tôi cũng không thể đi vặn vít thay nhà thầu thi công được, mọi việc tùy thuộc vào nhà thầu”.
Cũng cần phải nhắc lại, trong suốt quá trình dự án và đặc biệt gần 1 năm nay, Bộ GTVT đã nhiều lần gặp gỡ lãnh đạo cấp cao của tổng thầu Trung Quốc, làm việc với các cơ quan ngoại giao phía Trung Quốc để thúc giục tổng thầu hoàn thiện nhanh các vấn đề tồn đọng. Nhưng cũng suốt 1 năm qua, những gì tồn đọng chưa có nhiều suy chuyển khi tổng thầu vẫn chưa hoàn thiện hết hồ sơ để kiểm định tổng thể.
Tổng thầu chây ì, nhưng sự loay hoay của Bộ GTVT với vai trò chủ đầu tư tiếp tục cho thấy sự bất lực, không gây được sức ép cần thiết lên tổng thầu, khi các tối hậu thư về thời hạn đưa ra đều rơi vào im lặng. Có lẽ hiếm có dự án nào mà bên A không thể sử dụng các điều khoản hợp đồng để ràng buộc hay xử phạt bên B vì chậm tiến độ, mà phải vận dụng đến cả các kênh ngoại giao cấp cao hơn để... giục tiến độ.
Dự án chậm thêm một ngày, là thêm một ngày người dân không được đi tàu, dù nhà nước vẫn phải trả lãi vay. Nhưng bên cạnh đó, nếu nhìn từ những cảnh báo của tư vấn độc lập, sau những vật vã về tiến độ, chất lượng sẽ là vấn đề lớn của dự án trong tương lai, nếu tổng thầu chưa khắc phục xong một số khiếm khuyết về thiết kế, theo yêu cầu của Bộ GTVT.
Thủ tướng cũng đã yêu cầu phải đảm bảo an toàn tuyệt đối mới vận hành dự án, vì thế, với Cát Linh - Hà Đông, “nhanh nhưng không thể vội”. Sức ép lên tổng thầu phải nhiều hơn nữa, không chỉ là sức ép về tiến độ, mà còn là sự đòi hỏi về chất lượng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.