Khách đến Việt Nam chơi gì?

02/05/2018 05:04 GMT+7

Câu hỏi nghe có vẻ đơn giản nhưng bao năm qua, vẫn không có câu trả lời. Thế nên du khách nước ngoài đến TP.HCM nói riêng và VN nói chung cứ tham quan, đi dạo, ngắm cảnh, chụp ảnh rồi về... ngủ.

Đó là lý do chi tiêu của du khách nước ngoài tại VN hết sức khiêm tốn. Không phải vì họ "keo" hay ít tiền mà bởi ngoài những chi phí cơ bản cho ăn, ngủ..., họ hầu như không có chỗ để tiêu tiền. Khảo sát 5 năm trở lại đây cho thấy, khách quốc tế đến VN chi tiêu cho hoạt động thuê phòng lưu trú và ăn uống chiếm 56 - 60%, chi tiêu cho việc mua hàng hóa, đồ lưu niệm, tham quan, vui chơi, giải trí chiếm 20%. Nếu "bóc" riêng chi phí tham quan kèm vui chơi giải trí, con số này chỉ từ 7 - 10% trong tổng chi phí. Trong khi chi phí cho hoạt động vui chơi giải trí ở Malaysia, Thái Lan chiếm 40 - 50%, thậm chí đến 60 - 70% tổng chi phí cho một chuyến du lịch. Nhìn vào cơ cấu chi tiêu "chỉ ăn và ngủ" này là thấy ngay nỗi buồn của du khách khi tới VN. Nên dù chúng ta sở hữu những khu nghỉ dưỡng tuyệt đẹp; bãi biển tuyệt đẹp, ẩm thực đa dạng, hấp dẫn... nhưng thời gian lưu trú của khách rất ngắn và đa số tới một lần rồi đi luôn, không quay lại.
Đáng nói là vấn đề này không mới, được đặt ra rất lâu rồi nhưng cứ đặt ra rồi để đấy, dù hiệu quả của nó ai cũng thừa nhận. Mà chẳng phải chỉ riêng việc này, nhiều nút thắt của ngành du lịch như việc "siết" visa; sản phẩm du lịch nghèo nàn... cứ mãi là "nút thắt" từ cuộc hội thảo này sang cuộc tọa đàm khác; từ năm này qua năm sau nhưng chẳng ai "cởi".
Câu hỏi đặt ra là, tại sao tình trạng trì trệ này lại có thể tồn tại ngay trong khi chúng ta xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn? Tất nhiên có nhiều lý do nhưng chủ yếu vẫn xuất phát từ căn bệnh cố hữu, chạy theo số lượng thay vì chất lượng. Mấy năm nay, khách quốc tế đến VN tăng mạnh. Năm 2017, lượng du khách đến VN lập kỷ lục với 13 triệu lượt người. Mấy tháng đầu năm 2018 cũng tương tự. Thành tích tốt thế nên ngành du lịch cứ việc an tâm kê cao gối ngủ kỹ mà chẳng cần quyết liệt giải quyết tour 0 đồng hoành hành khắp các điểm đến, hay việc chúng ta gần như mất thị trường inbound vào tay các công ty nước ngoài tự tung tự tác đưa khách vào VN; việc hướng dẫn viên nước ngoài thoải mái hành nghề tại thị trường nội địa...
Năm 2016, VN thu hút hơn 10 triệu lượt khách quốc tế, bằng 31% so với Thái Lan (32,6 triệu), bằng 37% của Malaysia (26,8 triệu), 61% của Singapore (16,4 triệu), 83% so với Indonesia (12 triệu). Năm 2017 chúng ta tự hào lập kỷ lục thu hút 13 triệu khách quốc tế thì con số của Thái Lan là 35,4 triệu người...
Đã mở cửa, thành tích cũng hội nhập chứ không nên lấy tháng này so với tháng trước; năm này so với năm trước để yên tâm rồi bỏ mặc các nút thắt khiến du lịch chưa thể đột phá như cách chúng ta đang làm hiện nay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.