Lạ thật!

09/09/2019 04:58 GMT+7

Chuyện tin nhắn rác, cuộc gọi rác, lừa đảo qua mạng, mua bán thông tin cá nhân, lộ số điện thoại hành khách đi máy bay, khủng bố cả người không vay nợ... diễn ra nhiều năm nay.

Đáng nói là trong khi hầu hết các cơ quan có thẩm quyền liên quan đều tuyên bố đã vào cuộc "mạnh mẽ" và quyết liệt thì tình trạng này vẫn tiếp diễn công khai, còn người dùng điện thoại chỉ còn cách bấm bụng chịu đựng. Nghịch lý này đến từ những chuyện rất lạ.
Đầu tiên là "đá bóng trách nhiệm" chặn rác từ nhà mạng sang người dùng. Tính từ khi các nhà mạng cam kết chặn tin nhắn rác gần 3 năm trước thì tình trạng này vẫn phổ biến. Thay đổi lớn nhất có lẽ là chuyện "rác" từ chính nhà mạng tăng mạnh. Sau khi dư luận than phiền, mới đây dự thảo Nghị định về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác quy định, người dùng phải đăng ký từ chối nếu không muốn nhận "rác". Trong trường hợp được thông qua, nhiệm vụ của các nhà mạng đã được "đá vèo" sang cho khách hàng. Lạ thật.
Càng lạ hơn là sau cuộc cách mạng sim chính chủ với tất cả các thuê bao trả trước, trả sau; thuê bao cũ - mới đều phải cung cấp thông tin cá nhân như tên tuổi, địa chỉ, CMND, thậm chí cả hình ảnh cho nhà mạng, nhưng mỗi khi người dùng bị khủng bố, hăm dọa việc truy tìm số thuê bao lại vẫn khó khăn, chậm trễ.
Điều này chỉ có 2 khả năng, hoặc nhà mạng không quản lý được sim, hoặc cố tình không cung cấp thông tin. Trong cả 2 trường hợp, đều phải truy trách nhiệm các đơn vị này. Bởi nếu không truy tìm được các chủ thuê bao lừa đảo, dọa nạt, khủng bố người dùng thì tình trạng này sẽ vẫn tiếp diễn, các doanh nghiệp liên quan cũng dựa vào đó để phủi trách nhiệm.
Một ví dụ cụ thể là trường hợp người than phiền về dịch vụ bảo hiểm của Dai-ichi lên trang Facebook cá nhân và bị quấy rối mà Báo Thanh Niên phản ánh cuối tuần qua, đại diện Công ty Dai-ichi cho biết sẽ kiểm tra nhưng cũng "không ngoại trừ các số gọi đến là sim rác. Trong trường hợp này, công ty không có cơ sở để xác minh được đại lý, cá nhân nào của công ty hay giả mạo nhân viên bảo hiểm để quấy nhiễu". Vậy đấy, chuyện lớn chuyện bé, cứ đẩy sang sim rác, là xong. Nhưng làm sao còn sim rác nếu các nhà mạng thực hiện đúng, đủ, nghiêm sim chính chủ?
Tương tự là việc rò rỉ, mua bán thông tin cá nhân tràn lan khắp nơi, được phản ánh nhiều lần nhưng chưa có cơ quan nào vào cuộc đến cùng. Có những manh mối rất cụ thể như đặt vé máy bay thì tới ngày đi nhận được các lời mời chào đặt xe dịch vụ, taxi... Đẩy qua đẩy lại cuối cùng mọi chuyện vẫn không thay đổi. Cứ đặt vé máy bay thì lộ trình, giờ giấc bị công khai dù muốn hay không.
Hệ quả là các chế tài pháp luật liên quan đến vấn đề này dù khá đầy đủ, khá nghiêm khắc nhưng không có cơ hội áp dụng. Thế là hòa cả làng. Ai xả rác cứ xả; người bị khủng bố cứ sống trong nỗi lo sợ; kẻ hăm dọa nhởn nhơ; kỷ cương - pháp luật bị coi thường...
Cơ quan nào cũng vào cuộc quyết liệt, mạnh mẽ nhưng thực trạng vẫn không thay đổi... Lạ thật.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.