Lãng phí chất xám

01/02/2015 06:18 GMT+7

Cũng giống như chuyện ông Nguyễn Quốc Hòa ở Thái Bình chế tạo “tàu ngầm” Trường Sa, “tàu ngầm” Hoàng Sa của ông Lê Ngà ở TP.Huế mới đây là những sáng chế bước đầu rất đáng trân trọng của những người dân bình thường mang nhiệt huyết sáng tạo. Trả lời Báo Thanh Niên , ông Lê Ngà chỉ có một ước muốn: Mong nhận được sự ủng hộ, góp ý của các nhà chuyên môn để tiếp tục hoàn thiện sản phẩm.

Cũng giống như chuyện ông Nguyễn Quốc Hòa ở Thái Bình chế tạo “tàu ngầm” Trường Sa, “tàu ngầm” Hoàng Sa của ông Lê Ngà ở TP.Huế mới đây là những sáng chế bước đầu rất đáng trân trọng của những người dân bình thường mang nhiệt huyết sáng tạo. Trả lời Báo Thanh Niên, ông Lê Ngà chỉ có một ước muốn: Mong nhận được sự ủng hộ, góp ý của các nhà chuyên môn để tiếp tục hoàn thiện sản phẩm.

Nhưng điều các ông nhận được cũng giống nhau, đều chỉ là “sự im lặng”. Tuyệt nhiên không có bất cứ lời động viên, khuyến khích hay hướng dẫn, góp ý nào để họ làm tốt hơn, để phát huy tài năng và đam mê của họ từ phía các cơ quan chức năng có liên quan, chưa nói đến chuyện tài trợ cho họ nghiên cứu hoặc mời cộng tác để sử dụng tay nghề của họ.
Có thể còn nhiều điều phải bàn về giá trị công nghệ, giá trị kinh tế của những sáng chế, chế tạo của các nhà phát minh tự phát này, những gì các ông làm không phải là “nghiên cứu” hiểu theo nghĩa sáng tạo tri thức mới, nhưng họ đã có tìm tòi, nghiền ngẫm, đam mê, trước khi bắt tay chế ra những chiếc tàu ngầm này.
Trên thực tế, chuyện ông Trần Quốc Hải ở Tây Ninh sửa chữa và chế tạo thành công xe bọc thép cho quân đội Campuchia và được nhà nước Campuchia trao tặng Huân chương Đại tướng quân và nhiều biệt đãi về nhà ở, chế độ sinh hoạt đã cho thấy những nhà sáng chế tự phát của chúng ta hoàn toàn có khả năng làm ra những thứ có giá trị thực tiễn khi được sử dụng, được khích lệ và ghi nhận.
Ở ta, đã có rất nhiều sáng chế “hai lúa” đoạt giải các cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật này nọ, nhưng đa phần sau đó là cất kho vì nông dân… hết tiền, còn ngành chức năng và doanh nghiệp thì thờ ơ xem nhẹ. Theo một thống kê năm 2012 của Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN), liên quan đến những sáng chế trong lĩnh vực nông nghiệp, cả nước có khoảng 120 bằng độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích, trong đó khoảng 70% bằng thuộc sở hữu cá nhân. Tuy nhiên, rất nhiều bằng sáng chế sắp hết thời hạn bảo hộ mà vẫn chưa được khai thác, sử dụng.
Vấn đề chính là chúng ta thiếu những cơ chế, chính sách để tạo điều kiện cho những phát minh, sáng chế đó có cơ hội phát triển. Đặc biệt, tâm lý sính bằng cấp, học hàm học vị đã khiến nhiều nơi, nhiều ban ngành không đánh giá đúng công trình sáng tạo của nông dân và bỏ qua đóng góp của họ.
Nhìn cách Campuchia đối xử với ông Trần Quốc Hải còn cho thấy một chuyện khác, sự thờ ơ của bộ máy quản lý trước những sáng chế của công dân chứng tỏ nhân tố con người chưa được xem trọng, sự chủ động phát kiến của người dân nhằm làm giàu cho đất nước chưa được trân quý. Và đó là một sự lãng phí chất xám ghê gớm cho cả các cá nhân và xã hội.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.