Lãng phí đầu tư công

18/07/2012 03:40 GMT+7

Truyền hình VN vừa phát bộ phim tài liệu 7 tập Câu chuyện lãng phí rất đáng suy ngẫm. Từ cầu xong bỏ hoang vì không có đường dẫn đến bệnh viện trăm tỉ hoàn thành không thể đưa vào sử dụng vì thiếu trang thiết bị, thiếu hệ thống xử lý nước thải, đến dự án bị thổi vốn…

Những vụ lãng phí hàng trăm tỉ, hàng ngàn tỉ đó có xuất phát từ đủ mọi nhẽ từ đầu tư sai, đầu tư thiếu đồng bộ, chậm tiến độ; lãng phí vì "gà tức nhau tiếng gáy”, họ có thì tỉnh mình cũng phải có, tiền nhà nước cả. Các tỉnh xin được tiền ngân sách, thêm vốn đầu tư và các dự án, thường không phát huy thế mạnh của địa phương, không dựa trên đặc thù cả về lợi thế và vị trí riêng, mà thường sao chép lẫn nhau. Tỉnh nào cũng có cảng biển, sân bay, cũng có khu kinh tế, nhà máy thép xi măng, sân golf... bất chấp hiệu quả kinh tế. Vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước là tiền dân đóng thuế, thua lỗ dân chịu cả nên lãnh đạo một số nơi vẫn phóng tay đầu tư xây dựng, cốt sao có dự án để có dịp “phết phẩy”.

Xem xong bộ phim nhiều người sẽ có cùng quan điểm, sự lãng phí từ đầu tư công là nghiêm trọng. Nhưng nghiêm trọng hơn có lẽ còn bởi vì trong suốt 7 tập phim đó, những người làm phim hoàn toàn cũng không chỉ ra được bất kỳ ai chịu trách nhiệm về những khoản đầu tư lãng phí. Hay nói đúng hơn là không ai chịu xuất hiện trả lời với tư cách là người trong cuộc (?).

Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí có hiệu lực từ 1.1.2006 nhưng hầu hết các báo cáo của các bộ ngành từ ngày đó đến nay đều chỉ “báo công” các con số tiết kiệm được mà để trống phần chống lãng phí. Điều này phản ánh một thực tế rằng, lãng phí trong đầu tư công ở ta đang không có chủ. Có lẽ vì vậy mà bất chấp các yêu cầu khá quyết liệt của Chính phủ về cắt giảm, đầu tư công ở Việt Nam vẫn chiếm một tỷ lệ rất cao trong nền kinh tế - khoảng 38,9% năm 2011. Trong khi đó  hiệu quả lại rất thấp. Theo một công bố trên tờ Đầu tư thì hệ số ICOR (tỷ lệ vốn đầu tư/GDP chia cho tốc độ tăng GDP) của khu vực công liên tục tăng qua các thời kỳ, chứng tỏ hiệu quả đầu tư không những thấp, mà còn sụt giảm. ICOR năm 2011 cao gấp hơn 1,5 lần năm 1996, cao gấp trên 1,2 lần năm 2001, cao gấp 1,3 lần năm 2006.

Chưa hết, trong khi ICOR của khu vực nhà nước năm 2010 là 10,2 lần, cao hơn mức 7,8 lần của năm 2006, thì ở khu vực ngoài nhà nước chỉ là 3,9 lần, thấp hơn hệ số 4,9 lần của năm 2006.

Có thể hiểu rằng, hệ số ICOR thấp ở khu vực tư nhân là do đây là nguồn vốn tự đầu tư, nên có sự chọn lựa kỹ hơn, ít bị lãng phí, thất thoát khi đầu tư, thi công.

Chính phủ đặt kế hoạch năm 2012 với hệ số ICOR thấp hơn nhiều so với các năm trước, là thông điệp cho thấy quyết tâm của Chính phủ trong việc đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế. Đây là việc không dễ, nếu không có giải pháp đồng bộ nâng cao hiệu quả đầu tư. Mà một trong những việc cần phải làm ngay đó là phải có địa chỉ trách nhiệm đối với các công trình, quyết định đầu tư không hiệu quả, gây lãng phí.

An Nguyên 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.