Lệ làng, phí xã...

08/06/2017 06:00 GMT+7

Còn nhớ, vào tháng 7.2016, báo chí phản ánh việc lạm thu ở xã Minh Lộc, H.Hậu Lộc (Thanh Hóa) khi nơi đây đặt ra nhiều loại phí để thu của người dân với mức đóng góp khoảng 350.000 đồng/nhân khẩu.

Trong các khoản phí, có khoản đóng góp để làm nghĩa trang với mức 100.000 đồng/khẩu. Vậy mới có chuyện oái oăm và phản cảm khi một đứa trẻ vừa lọt lòng cũng phải nộp phí làm nghĩa trang, bởi đã có tên trong sổ hộ khẩu là phải nộp phí. Mãi khi Ủy viên Bộ Chính trị - Phó thủ tướng Vương Đình Huệ có công văn yêu cầu làm rõ, thì các cơ quan chức năng của Thanh Hóa mới tiến hành kiểm tra, xử lý.
Mới đây nhất, tại xã Kỳ Tây, H.Kỳ Anh (Hà Tĩnh), công an xã đã phát đi công văn yêu cầu các chủ nuôi ong lên trụ sở xã để nộp tiền lệ phí bảo đảm an ninh trật tự. Do hầu hết các chủ nuôi ong tại xã Kỳ Tây đều là dân tỉnh ngoài, mang ong đến địa phương này “đánh mật” theo mùa, nên họ đành chấp nhận nộp tiền. Cán bộ địa phương thì lý giải thu như thế để chi cho công an xã đi lại, bảo đảm an ninh trật tự cho những người nuôi ong.
Ngoài việc đặt ra nhiều loại phí vô lý, một số chính quyền địa phương còn nghĩ ra các “chiêu thức” để ràng buộc người dân phải “tự nguyện” đóng góp. Nếu trước kia, mỗi mùa thu thuế, chính quyền phải tổ chức từng đoàn cán bộ xuống các làng, xã để truy thu, thì nay chính quyền địa phương tận dụng quyền lực của “con dấu ủy ban” một cách triệt để. Có nơi, chính quyền kiên quyết không ký, không đóng dấu xác nhận bất kỳ loại giấy tờ gì cho những hộ dân thiếu nợ tiền đóng góp các loại phí. Mà người dân thì có quá nhiều thứ cần chính quyền xác nhận, như xác nhận hộ nghèo để làm bảo hiểm y tế, xác nhận tạm trú, tạm vắng để đi làm ăn xa, xác nhận hồ sơ, lý lịch để đi học, đi làm…
Cách đây không lâu, anh Nguyễn Văn Chinh (33 tuổi, ngụ tại xã Võ Liệt, H.Thanh Chương, Nghệ An) khi lên UBND xã Võ Liệt để làm giấy khai sinh cho con trai thứ ba, thì được cán bộ tư pháp hướng dẫn sang gặp cán bộ dân số để “tự nguyện” đóng 2 triệu đồng tiền phạt do sinh con ngoài kế hoạch. Vì không mang theo tiền nên anh đành quay về. Lần thứ hai, khi anh mang đủ tiền nộp cho cán bộ dân số, thì cán bộ tư pháp nói xã đã hết phôi giấy khai sinh nên hẹn anh hôm khác.
Lý giải về khoản đóng góp “tự nguyện” trên, bà Nguyễn Thị Thủy, cán bộ dân số xã Võ Liệt, cho rằng việc thu 2 triệu đồng đối với những hộ sinh con thứ ba dựa trên bản cam kết thực hiện chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình của địa phương. Theo đó, gia đình nào vi phạm thì phải “tự nguyện” đóng góp ít nhất là 2 triệu đồng cho Ban Dân số, kế hoạch hóa gia đình xã để phục vụ công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình của địa phương… Tuy nhiên, theo anh Chinh và nhiều người dân xã Võ Liệt, thì họ không biết và không ký vào bản cam kết mà bà Thủy nói.
Trên đây chỉ là một vài vụ trong số hàng trăm vụ lạm thu ở các địa phương mà dư luận phản ánh thời gian qua. Thực tế, không ít lãnh đạo các địa phương bị kỷ luật liên quan đến lạm thu, nhưng tình trạng trên vẫn diễn ra. Như vậy, dù Thủ tướng nhiều lần khẳng định quyết tâm xây dựng một Chính phủ kiến tạo, thực sự phục vụ người dân, phục vụ doanh nghiệp, thì dường như tinh thần đó vẫn chưa xuống được các cấp chính quyền cơ sở, nhiều nơi vẫn tìm cách “tận thu” khi “phục vụ nhân dân”. Đây chính là thách thức lớn cần giải quyết triệt để.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.