Mưa phi trường níu chân em

18/09/2016 06:00 GMT+7

Chỉ trong một thời gian ngắn, sân bay Tân Sơn Nhất ở TP.HCM bị 'lụt lội' đến 2 lần do mưa to gió lớn khiến hàng chục chuyến bay không đáp được phải đi lánh nạn ở các sân bay khác.

Hàng chục chuyến bay không đáp được đúng giờ gây ra hệ lụy khiến hàng trăm chuyến bay khác lãnh hậu quả delay, thiệt hại đủ điều. VN có 2 mùa rõ rệt, chia ra 6 tháng mưa - 6 tháng nắng, do đó câu chuyện phi trường ngập lụt như vừa rồi cho thấy một viễn cảnh u ám sẽ còn kéo dài, chưa biết đến khi nào mới khắc phục được.
Trong các chuyến công tác ở nước ngoài, tôi đã chứng kiến khá nhiều trận mưa lớn ở phi trường, điều khác biệt là chẳng thấy có sân bay nào ngập lụt như Tân Sơn Nhất (TSN). Ví dụ thứ nhất có thể kể ra đây là phi trường Kansai ở Osaka, Nhật Bản. Hôm đó trời mưa như thác đổ, nhưng vốn là sân bay được xây dựng trên một hòn đảo nhân tạo trên vịnh Osaka, tứ bề là biển nên chuyện thoát nước thuận lợi. Mưa mặc mưa, thoát cứ thoát. So với Kansai, phi trường Schiphol ở ngoại ô thủ đô Amsterdam của Hà Lan lại là một câu chuyện hoàn toàn khác về chuyện thoát nước mưa. Schiphol vốn được xây dựng trên một đầm lầy cách nay khoảng 1 thế kỷ, code nền hiện hữu thấp hơn mực nước biển 3 m (Hà Lan có 1/4 lãnh thổ thấp hơn mực nước biển). Schiphol vì thế đang giữ kỷ lục là phi trường thương mại thấp nhất thế giới. Thoạt nghe có vẻ khó tin, vì với code nền thấp lè tè như vậy thì họ sẽ thoát nước mưa đi đâu? Rất hay, đó lại là sự thật. Chữ Schiphol trong tiếng Hà Lan có nghĩa là Địa ngục tàu biển nhưng cái phi trường ấy chẳng dính dáng gì đến địa ngục tàu bè cả mà ngược lại, nó có đến 7 đường băng chính, là một trong những sân bay nhộn nhịp và tốt nhất châu Âu, đón khoảng 50 triệu lượt khách/năm và chưa bao giờ gặp cảnh ngập nước. Thử tưởng tượng một khi Schiphol cũng ngập lụt như TSN thì chuyện gì sẽ xảy ra?
Trở lại với câu chuyện bi hài của TSN mới thấy chuyện thoát nước mưa của chúng ta quá tệ. Ngày trước không như vậy. Trước năm 1975, không gian bao quanh TSN thoáng đãng. Ngoài khu dân cư Lăng Cha Cả và doanh trại của Bộ Tổng tham mưu quân đội VNCH (nay là Quân khu 7) ra, còn lại là đồng không mông quạnh, chẳng có cái nhà dân nào. Bây giờ mọi chuyện đã khác, TSN đã bị các công trình kiến trúc bao vây, áp sát. Áp lực của nhà cửa dày đặc đã đè lên, thậm chí bít luôn lối thoát nước mưa của sân bay. Cũng có thể code nền của khu vực xung quanh đã “vô tình” cao hơn code nền của phi trường nên biến nó thành cái lòng chảo, mưa lớn là ngập. Điều này nghe có vẻ phi lý nếu so với trường hợp của phi trường thấp nhất thế giới Schiphol, xin nhắc lại là thấp hơn mực nước biển 3 m. Có thể phải tính đến chuyện cử người có tâm huyết trong ngành hàng không dân dụng của VN sang Hà Lan học hỏi kinh nghiệm của họ.
Viết đến đây chợt nhớ bài Mưa phi trường của nhạc sĩ Việt Anh do ca sĩ Lam Trường hát. Nội dung bài hát nói về đôi lứa yêu nhau, chàng trai tiễn cô gái ra phi trường để bay đến một miền đất xa xăm trong một ngày mưa. Căn cứ vào nội dung bài Mưa phi trường thì chuyến bay của cô gái ấy không bị delay, có thể hôm ấy chỉ là cơn mưa nhỏ. Chứ nếu gặp 2 trận mưa ngập lụt như vừa rồi, chuyến bay của cô ấy chắc chắn bị delay, nản quá, cô gái quyết định… không đi nữa, ở lại Sài Gòn với người yêu. Một chuyện tình thật cảm động liên quan đến… ngập lụt. Chàng trai thầm tạ ơn ông trời đã giúp mình níu chân tình nhân. Kể từ dạo ấy, hễ gặp trời mưa to là đôi tình nhân lại nhớ đến TSN với cùng tâm trạng: trong cái rủi có cái may. Nếu biết một chút nhạc lý, tôi sẽ xin phép nhạc sĩ Việt Anh cho tôi sáng tác nhạc phẩm Mưa phi trường 2, dựa trên một câu chuyện hư cấu nhưng rất có thể xảy ra trong đời thường.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.