Mục tiêu và chính sách

14/06/2010 00:04 GMT+7

Bộ Công thương mới đây đã đề xuất tiếp tục chính sách đánh thuế nhập khẩu cao với các sản phẩm ô tô, linh kiện trong nước đã sản xuất được đến hết năm 2018.

Vấn đề khiến dư luận băn khoăn là chính sách này dường như vẫn đang đứng về phía các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA).

Trong khi đó, sau 10 năm nhận được nhiều ưu đãi về mọi mặt, những gì các doanh nghiệp này làm được chỉ là đạt tỷ lệ nội địa hóa 2 - 7% (theo kết quả kiểm tra hồi cuối năm ngoái của Bộ Tài chính). Với đề xuất của Bộ Công thương, người tiêu dùng sẽ phải chấp nhận mua ô tô với giá cao cho đến hết năm 2018.

Bình luận về đề xuất trên, TS Lê Đăng Doanh nhận xét, Bộ Công thương đang sử dụng lại liều thuốc cũ, trong khi các doanh nghiệp xe nội đã lờn thuốc. Theo TS Doanh, việc đánh mạnh thuế nhập khẩu với linh kiện, phụ tùng ô tô trong nước đã sản xuất được hay ưu đãi đặc biệt về tín dụng với dự án sản xuất phụ tùng ô tô (giải pháp đã từng áp dụng trước đây), không phải là cách hiệu quả để nâng tỷ lệ nội địa hóa lên cao. TS Lê Đăng Doanh cũng cho rằng, để giúp các doanh nghiệp sản xuất xe trong nước nâng cao khả năng cạnh tranh, không nhất thiết chỉ áp dụng chính sách bảo hộ, mà thay vào đó phải là một giải pháp tổng thể, phát triển công nghiệp dịch vụ trợ giúp cho ô tô, như công nghiệp nhựa, điện tử, cơ khí. Dựa trên cơ sở tính toán xem khả năng doanh nghiệp trong nước có thể làm được gì, tập trung làm tốt, có thể chỉ là con ốc vít hay chiếc ghế. “Không nên chạy theo mục tiêu sản xuất ra một chiếc ô tô made in Việt Nam mà hướng đến phát triển công nghiệp, dịch vụ để trợ giúp phát triển ngành công nghiệp ô tô”, ông Doanh nói.

Từ lâu, sản xuất linh kiện phụ tùng ô tô đã đạt quy mô toàn cầu, với chuỗi cung ứng chia đều cho nhiều nước. Chiến lược đánh đồng phát triển công nghiệp ô tô với phát triển công nghiệp phụ trợ thông qua mục tiêu nội địa hóa, đã từng được chứng minh là dàn trải và chệch hướng. Bởi quy mô thị trường Việt Nam rất nhỏ, dù có chính sách ưu đãi, khuyến khích cũng khó hút được các doanh nghiệp đầu tư sản xuất chỉ để phục vụ nhu cầu trong nước.

TS Nguyễn Quang A cho rằng, chính sách hỗ trợ, nâng cao năng lực cạnh tranh cho công nghiệp ô tô trong nước (nếu được thông qua) phải cân đối lợi ích giữa người tiêu dùng - doanh nghiệp trong nước - ngành sản xuất ô tô Việt Nam. Thay vì mục tiêu nội địa hóa sản xuất ô tô, việc hỗ trợ doanh nghiệp “nhảy” vào được chuỗi sản xuất linh kiện, phụ tùng mới là điều nên làm.

Mai Hà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.