Ngâm lâu hóa bùn

05/06/2019 04:47 GMT+7

Sau khi Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung “nhận trách nhiệm” trong phiên chất vấn tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội hồi tháng 8.2017, vì chậm giải quyết vụ 8B Lê Trực , Q.Ba Đình, hôm qua - hai năm sau - vụ việc này một lần nữa lại được chất vấn tại Quốc hội.

Ở đây khoan bàn đến việc tại sao một vị trí đất vốn được quy hoạch 5 tầng cao lại được “phù phép” thành tòa nhà 18 tầng và thực tế được xây 20 tầng, nguyên việc sau 4 năm mà chính quyền không xử lý phá dỡ được phần “giai đoạn 2” sai phép của công trình, “8B Lê Trực” xứng đáng được ghi vào kỷ lục của sự chậm trễ, trì trệ, yếu kém của bộ máy quản lý đô thị.
Vụ việc cho đến giờ, không chỉ là một vụ vi phạm trật tự xây dựng đơn thuần, mà nó bộc lộ đầy đủ, rõ nét của chuyện “nhờn luật” đến khó hiểu. Sai phạm đã rõ, trách nhiệm cũng được chỉ ra, tại sao cứ dằng dai, kéo dài mãi không xử lý được? Việc “an toàn kết cấu” công trình, mà ông Bộ trưởng Xây dựng giải thích rất là khó hiểu hôm qua, có phải là nguyên nhân chính, hay còn chuyện gì nữa? Hay có ai đó muốn câu giờ, để sự việc rồi “cứt trâu hóa bùn” như bao vụ vi phạm trật tự xây dựng đô thị khác?
Với giá nửa triệu đô/căn hộ (đã bán hết), thì có lẽ chuyện chậm “cắt ngọn” công trình sai phép này không đơn giản chỉ vì chờ tìm phương án tháo dỡ an toàn. Và liệu 5 cán bộ nho nhỏ cấp phường, cấp phòng bị kỷ luật (không rõ hình thức) có đủ sức để “phù phép” cho tồn tại một công trình sai phép hàng ngàn mét vuông diện tích như vậy không, hay nguyên nhân còn nằm ở chỗ khác, ở cấp cao hơn?
Câu hỏi “người dân và Quốc hội cần chờ bao lâu để giải quyết căn bản tình trạng này” của đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) thực sự là một câu hỏi nhức nhối của dư luận; và nó còn nhức nhối hơn ở chỗ, rồi sẽ chẳng có ai trả lời câu hỏi đó!
Hà Nội có vẻ rất có truyền thống trong việc chậm giải quyết các vấn đề liên quan đến đất đai, trật tự xây dựng. Kết luận thanh tra việc vi phạm pháp luật đất đai trong quản lý rừng phòng hộ Sóc Sơn cũng kéo dài tới mười mấy năm không được giải quyết. Đến khi dư luận quá bức xúc thì lại đổ thừa “lịch sử”. Né tránh (hoặc đùn đẩy) là thái độ rất dễ nhận thấy trong việc xử lý những sai phạm như thế này, khiến dư luận không khỏi nghi ngờ sự thiếu minh bạch.
Vụ việc 8B Lê Trực, chung cư HH Linh Đàm hay đất rừng Sóc Sơn nên được coi là những điểm nhấn để chấn chỉnh trật tự đô thị, trên nguyên tắc kỷ cương phải được duy trì, phép nước phải được thực thi chứ không thể tiếp diễn tình trạng “ngâm lâu hóa bùn” hay lâu lâu lại hỏi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.