Ngoại giao văn hóa

11/06/2009 00:46 GMT+7

Ngoại giao văn hóa có thể hiểu là việc sử dụng các giá trị văn hóa, hình thức văn hóa, lợi thế văn hóa để thúc đẩy quan hệ với các quốc gia khác. Đồng thời, sử dụng nội dung ngoại giao, quan hệ ngoại giao để tôn vinh giá trị văn hóa dân tộc; giao lưu, trao đổi để các quốc gia, các dân tộc ngày càng hiểu biết và tôn trọng các giá trị văn hóa và bản sắc của nhau.

Ngoại giao văn hóa được coi là một trong ba trụ cột chính của Ngoại giao Việt Nam hiện đại, bên cạnh ngoại giao chính trị và ngoại giao kinh tế.

Trong khuôn khổ "Năm ngoại giao văn hóa 2009", ngày 10.6, tại Khu du lịch sinh thái và nghỉ mát Hòn Tằm, TP Nha Trang, Bộ Ngoại giao phối hợp với UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức hội thảo "Ngoại giao văn hóa và sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp".

Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm chủ trì hội thảo, với sự tham dự của 30 đại sứ, trưởng đoàn đại diện tổ chức quốc tế, tham tán văn hóa cùng đại diện hơn 60 doanh nghiệp Việt Nam, doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam…

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm bày tỏ: "Thông qua hội thảo này, chúng tôi mong muốn cùng quý vị làm rõ hơn trách nhiệm xã hội, quyền lợi và cơ chế chính sách để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia hoạt động ngoại giao văn hóa một cách thuận lợi và hiệu quả hơn… Đặc biệt, chúng tôi muốn lắng nghe những kinh nghiệm quý báu của bạn bè quốc tế về phát huy vai trò của doanh nghiệp đối với ngoại giao văn hóa và sự hỗ trợ của ngoại giao văn hóa đối với doanh nghiệp". 

Phát biểu tại hội thảo, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Tôn Nữ Thị Ninh cho rằng, ngoại giao văn hóa luôn luôn là hai chiều: giới thiệu Việt Nam với thế giới và đón thế giới đến với Việt Nam. Ngoại giao văn hóa không chỉ là sự nghiệp riêng của Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, mà là hệ quả của sự hiệp lực hợp tác giữa nhà nước, các chủ thể kinh tế, các chủ thể văn hóa, các nhà ngoại giao văn hóa không chuyên nghiệp và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. 

 Vấn đề đặt ra là: Cần làm gì để các doanh nghiệp hiểu rõ vai trò và lợi ích của mình trong hoạt động ngoại giao văn hóa? Cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với doanh nghiệp tham gia hoạt động ngoại giao văn hóa? Doanh nghiệp có thể tham gia hoạt động ngoại giao văn hóa như thế nào? Ông Lý Quý Trung, Tổng giám đốc Công ty cổ phần sản xuất thương mại Phở 24, nói: "Để hỗ trợ doanh nghiệp làm tốt hoạt động ngoại giao văn hóa cần phải có chiến lược rõ ràng, cụ thể. Việc xây dựng thương hiệu doanh nghiệp phải đi đôi với xây dựng thương hiệu quốc gia, bởi thương hiệu quốc gia cũng cần cho thương hiệu doanh nghiệp.

Vì vậy phải có một cơ quan để phối hợp các bộ, ban, ngành đẩy mạnh việc hỗ trợ doanh nghiệp". Nhiều đại biểu tham dự hội thảo rất tâm đắc với phát biểu của ông Sean Doyle, Đại sứ, Trưởng phái đoàn Ủy ban châu u tại Việt Nam. Theo ông Sean Doyle, trước hết cần phải làm cho doanh nghiệp thấy được lợi ích của mình trong hoạt động ngoại giao văn hóa, bởi không thể ép doanh nghiệp làm những việc không đem lại lợi ích cho họ. Bên cạnh đó, Việt Nam có thể xem xét miễn thuế đối với những công ty tiến hành hoạt động quảng bá văn hóa; đó là cách thức quan trọng để Nhà nước hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp. Chính phủ cũng cần lắng nghe khuyến nghị của các Phòng Thương mại, các Hiệp hội doanh nghiệp (của một số nước tại Việt Nam), phối hợp với họ tổ chức quảng bá văn hóa, hình ảnh quốc gia. Kết nối văn hóa trong nước với văn hóa bên ngoài cũng là một công cụ tốt để phát triển du lịch, giao lưu văn hóa… 

Ngoại giao văn hóa được coi là một trong những nguồn lực tạo nên "sức mạnh mềm". Lịch sử nền ngoại giao Việt Nam cho thấy, chúng ta đã nhiều lần sử dụng thành công "sức mạnh mềm" để hóa giải những xung đột và tạo dựng quan hệ hữu nghị lâu bền với các nước. Vì vậy, xây dựng một chiến lược lâu dài cho ngoại giao văn hóa nước nhà cũng là tạo thêm nguồn lực cho "sức mạnh mềm" của Việt Nam.

Xuân Hòa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.