Người ‘gác cổng’ vô tâm

Nguyễn Thế Thịnh
Nguyễn Thế Thịnh
23/03/2018 05:22 GMT+7

Chuyện cán bộ thú y ở Quảng Bình xác nhận để biến lợn bệnh thành lợn ngon mà Thanh Niên phản ánh khiến người đọc cảm thấy... giật mình và tự hỏi, không hiểu vì sao, người được trao quyền kiểm tra, chứng nhận cho thực phẩm lưu thông trên thị trường lại tắc trách đến nhẫn tâm như thế.

Một con người bình thường nhất cũng nghĩ đến việc, khi có dấu kiểm định của thú y, người tiêu dùng sẽ tin tưởng dùng số thịt lợn bệnh đó chế biến thức ăn. Vậy thì vì sao cán bộ thú y, người được trang bị chuyên môn và có quyền hạn lại có thể vô cảm về chuyện đó.
Theo bài báo nói trên, tại lò Hải Dương 1 có 4 con cùng tình trạng các chân bị lở loét, mưng mủ, miệng sùi bọt trắng, mũi có mủ trắng, không đi lại được. Triệu chứng lợn thể hiện rất rõ, không đứng lên đi được nhưng cán bộ thú y vẫn ghi trong biên bản: “Tại thời điểm kiểm tra, lợn bình thường, ổn định, không thấy có triệu chứng khác lạ” và quyết định cho: “Nằm chờ giết mổ”. Ngay đến chủ lò giết mổ cũng bức xúc, bất bình.
Câu hỏi đặt ra ở đây là, cán bộ thú y tắc trách hay vì một vấn đề nào khác? Họ có chuyên môn lại nhận được ý kiến phản ứng của chủ lò mổ, một người có kinh nghiệm thực tế, vì sao vẫn quyết tâm “đóng dấu”?
Không chỉ riêng chuyện “người gác cửa” ở lò mổ cố tình làm ngơ cho sai phạm, thời gian qua, có nhiều vụ chết người do uống rượu ở Lai Châu, Quảng Ninh, Hà Nội, Quảng Nam... khiến người dân hết sức lo lắng. Lò rượu tồn tại lâu năm ở địa phương, rượu nấu và bán công khai, vậy thì những người gác cổng kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm ở đâu?
Hằng ngày, ở chợ vẫn bán trái cây và người dân vẫn mua về ăn, rất nhiều người để một quả táo, một trái cam… hàng tháng trời vẫn còn tươi nguyên, ai cũng biết nó hoàn toàn không thuận tự nhiên, rất bất thường, vì sao nó vẫn tồn tại?
Chúng ta có cả hệ thống kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, một mạng lưới thú y, họ được nhà nước trả lương để làm nhiệm vụ “gác cổng” an toàn sức khỏe cho người dân, vậy họ đã làm gì?
Thịt heo, thực phẩm, trái cây bẩn có thể chưa làm chết người ngay như uống rượu nhưng nó là mầm bệnh cực kỳ nguy hiểm, nó đầu độc con người một cách từ từ, phải chăng đó là nguyên nhân vì sao căn bệnh ung thư và các căn bệnh khác ngày càng có chiều hướng gia tăng.
Người dân có thể trông chờ vào ai khi lợn bẩn được đóng dấu để biến thành lợn sạch, trái cây tẩm hóa chất mặc nhiên được lưu thông, lò nấu rượu vẫn ngang nhiên hoạt động?
Cán bộ làm nhiệm vụ không những không làm tròn chức năng được giao mà còn tiếp tay bằng cách đóng dấu, bằng cách lờ đi, tất cả hành động đó đều là hành động phi nhân tính, coi thường tính mạng của người tiêu dùng, nếu chỉ “nhắc nhở, kiểm điểm, rút kinh nghiệm” thì sẽ còn tiếp diễn ở nơi này, nơi khác mang lại hậu quả khôn lường cho xã hội.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.