Người nghèo cần được bảo vệ

23/03/2017 06:40 GMT+7

Được kỳ vọng góp phần đẩy lùi tín dụng đen, đem đến cho các đối tượng chưa có điều kiện tiếp cận với ngân hàng cơ hội vay vốn, nhưng thực tế cho thấy lãi suất, cách đòi nợ... của nhiều công ty tài chính cũng không khác gì tín dụng đen.

Đáng nói là người vay trong đó đa phần là người nghèo chưa được bảo vệ. Hãy thử làm phép so sánh để thấy rõ điều này. Lãi suất cho vay sản xuất - kinh doanh chỉ cần nhích lên một tí, hoặc có một vài dấu hiệu nào đó có thể khiến lãi vay gia tăng thì lập tức các cơ quan có thẩm quyền liên quan đều vào cuộc để “bình ổn”. Thậm chí những năm khó khăn gần đây, ngay từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước cũng cam kết về giảm hoặc giữ ổn định lãi vay, để không ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Đây là việc làm cần thiết bởi các cuộc chạy đua lãi suất những năm 2011 đã khiến nền kinh tế rơi vào tình trạng lạm phát cao, kéo theo nhiều hệ lụy. Chưa kể trong bối cảnh mở cửa hiện nay, các doanh nghiệp sẽ rất khó cạnh tranh với doanh nghiệp ngoại khi chi phí vốn cao hơn quá nhiều.
Thế nhưng, lãi suất cho vay ở thị trường ngách từ các công ty tài chính với người dân thì hầu như bị bỏ quên. Cứ lật lại lịch sử 3 - 4 năm trở về đây sẽ thấy, mức lãi vay tiêu dùng luôn cao chót vót, lên đến cả 100%/năm nhưng chẳng có công ty nào bị chấn chỉnh. Rồi chuyện mập mờ hợp đồng, chuyện khủng bố đòi nợ... cũng vẫn nguyên xi.
Nhiều ý kiến cho rằng lãi suất cho vay tiêu dùng là thỏa thuận giữa hai bên, “thuận mua thì vừa bán”, nên không thể trách các công ty tài chính. Điều này chưa chính xác. Dù là lãi suất thỏa thuận nhưng trong bộ luật Dân sự 2005 cũng quy định rõ, lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay (có trừ một số trường hợp liên quan đến luật khác). Đây chính là quy định để bảo vệ người vay nhưng như nói trên, quy định một đằng, lãi suất vẫn một nẻo, vẫn "leo" lên trời, vượt gấp 4 - 5 lần mức trần quy định.
Mới nhất, Ngân hàng Nhà nước cũng ban hành Thông tư 43 về quy định cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính. Theo đó, các công ty này phải công khai mức lãi suất cho vay cao nhất và mức lãi suất cho vay thấp nhất đối với từng sản phẩm cho vay tiêu dùng, đồng thời niêm yết công khai hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung về cho vay tiêu dùng... Quy định trên sẽ giúp nhà quản lý có cơ sở kiểm soát, đánh giá, điều chỉnh, chế tài kịp thời việc bóp chẹt người vay. Thế nhưng, để làm được điều này phải thường xuyên kiểm tra, giám sát nếu không thì vấn đề lãi vay tiêu dùng sẽ mãi là câu chuyện nhức nhối trên thị trường.
Theo thống kê, cho vay tiêu dùng tại VN hiện chiếm khoảng 12% tổng dư nợ, tăng gấp đôi so với 2 năm trước. Tuy nhiên, tỷ lệ này vẫn hết sức khiêm tốn so với mức trung bình khoảng 30% ở nhiều quốc gia. Cũng có nghĩa là dư địa cho vay tiêu dùng còn rất lớn. Nếu chúng ta không có những giải pháp, chấn chỉnh kịp thời để cho vay tiêu dùng thực sự mở ra cơ hội tiếp cận vốn cho người dân, giúp đẩy lùi tín dụng đen thì sinh viên, người nghèo, các bà nội trợ... sẽ còn tiếp tục bị bắt chẹt.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.