Nhận dễ, trả khó

10/08/2019 06:22 GMT+7

Cuộc chiến rác thải càng trở nên cam go vì ở trong nước các hiệp hội ngành hàng liên tục kiến nghị, đề xuất, kêu cứu "đòi quyền" nhập phế liệu cho sản xuất.

Thông tin mới nhất từ Tổng cục Hải quan, 6 tháng đầu năm có hơn 500 container khai báo trên manifest (hệ thống tiếp nhận bản khai hàng hóa, các chứng từ khác có liên quan và thông quan điện tử đối với tàu biển nhập cảnh, xuất cảnh dành cho người khai hải quan là các hãng tàu, đại lý hãng tàu và công ty giao nhận) là phế liệu không đủ điều kiện nhập khẩu được hãng tàu vận chuyển ra khỏi lãnh thổ VN.
Hơn 2 năm kể từ khi "cuộc chiến phế liệu" nổ ra ở nhiều nước Đông Nam Á, có lẽ đây là tin tích cực nhất từ phía VN.
Suốt hơn 2 năm qua kể từ khi Trung Quốc đóng cửa với vài chục loại phế liệu, các nước Đông Nam Á nói chung và VN nói riêng tốn rất nhiều công sức để ngăn chặn rác thải từ các nước phát triển đổ vào nội địa.
Thế nhưng cuộc chiến này không đơn giản. Trong năm đầu tiên sau lệnh cấm của Trung Quốc, rác vào VN tăng liên tục trong đó rác vô chủ ngày càng nhiều. Các cảng biển khốn khổ vì vấn nạn container lưu cữu năm này qua năm khác mà không có cách nào giải quyết. Cuộc chiến rác thải càng trở nên cam go vì ở trong nước các hiệp hội ngành hàng liên tục kiến nghị, đề xuất, kêu cứu "đòi quyền" nhập phế liệu cho sản xuất.
Bên ngoài hàng ngàn, hàng vạn container rác từ các nước giàu lênh đênh trên biển chỉ chờ bến nào có chỗ, bến nào sơ hở là cập vào. Tình hình càng căng thẳng hơn khi một số nước như Philippines, Thái Lan, Indonesia... mạnh tay trả rác về nơi xuất phát thì VN vẫn rất chậm trễ trong việc này.
Trong bối cảnh đó, việc chuyển 503 container phế liệu ra khỏi VN dù so với hàng vạn container phế liệu đang tồn đọng ở các cảng trên cả nước còn rất khiêm tốn, rất nhỏ bé nhưng cũng thực sự là tín hiệu đáng mừng. Nó cũng cho thấy, cách tốt nhất, hiệu quả nhất là chặn ngay từ cửa ngõ. Còn đã cập cảng, lưu bãi thì việc trả lại khó khăn hơn nhiều.
Nhưng muốn chặn ngay từ ngõ, không chỉ có đường chính trên manifest mà còn rất nhiều ngõ ngách. Tình trạng các công ty ma nhập phế liệu, nếu lọt thì lấy, nếu chẳng may bị phát hiện thì bỏ của chạy lấy người; tình trạng kê khai gian dối, nhập rác nhưng khai hàng được phép đang diễn ra hết sức phức tạp, tinh vi... không chỉ đòi hỏi các biện pháp nghiệp vụ, sự quyết liệt của các cán bộ hải quan mà còn nhiều cơ quan liên quan.
Nhưng đầu tiên và trước hết vẫn phải quyết liệt từ chính sách, đó là việc lên danh mục những loại phế liệu "cấm tiệt" không nhập như các nước đã và đang làm. Bởi nếu còn cho nhập, dù là nhập có điều kiện, chúng ta lại rơi vào tình trạng quản không được, chỗ này chỗ kia, cách này cách kia vẫn lọt vào nội địa, xử lý rất khó. Không nhập phế liệu, khuyến khích sử dụng phế liệu trong nước, tiến tới dùng nguyên liệu sản xuất sạch, xu hướng tiêu dùng chung của thế giới.
Vẫn còn hàng vạn container phế liệu đang nằm ngoài cảng bế tắc, trả lại không được, tiêu hủy không xong, chủ nhân trốn mất, ngay cả muốn khui ra cũng không đủ nhân lực. Thực tế cho thấy, nhập dễ nhưng trả thì không hề đơn giản.
Vì vậy, hãy chặn rác thải tuồn vào VN ở mọi nẻo đường và kiên quyết trả lại như các nước đang làm.
 
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.